Quay Lại Thời Gian – P.15 Học Ăn, Học Nói, Học Gói, Học Mở - Tục Ngữ Không Chỉ Dạy Trẻ Con

Tác giả: Đặng Hoàng Vũ

QUAY LẠI THỜI GIAN – P.15
HỌC ĂN, HỌC NÓI, HỌC GÓI, HỌC MỞ - TỤC NGỮ KHÔNG CHỈ DẠY TRẺ CON

Tục ngữ ta có câu: HỌC ĂN – HỌC NÓI – HỌC GÓI – HỌC MỞ, về sau được Bác Hồ sử dụng vài lần để khuyên răn cán bộ, cho nên có thể nói tục ngữ này không chỉ dành để dạy trẻ con.

Học ăn: Ăn cái gì? Tại sao ăn? Ăn như thế nào? Tóm lại là phải hiểu rõ lợi ích mà mình nhận được từ đâu đến, lợi ích đó sẽ đi về đâu và tại sao nó lại đến chỗ mình mà không phải đến chỗ khác? Không phải tự dưng mà các nước ngoài đem tiền tài trợ cho ta, nó đều có giá của nó. Không phải tự dưng mà người dân tặng quà cáp cho cán bộ, nó cũng có nguyên do của nó. KHÔNG CHỊU HỌC ĂN thì sẽ gặp gì ăn đó, thậm chí là ăn không từ một thứ gì, có ngày sẽ ắt gặp họa, giống như người ăn phải trái độc.

Học nói: Học nói xét cho cùng là học cách phát biểu, cách ra quyết định, ra chủ trương, cách chỉ đạo thuộc cấp, … Cũng là để đạt hiệu quả cho một công việc nhưng người này nói thì thành công, còn người khác nói thì đổ vỡ. KHÔNG CHỊU HỌC NÓI thì khi phát biểu ra câu nào sẽ làm cho người ta cười phì câu đó, đặc biệt là phát biểu trước công chúng, còn khi chỉ đạo thuộc cấp thì họ phục tùng trước mặt nhưng nói xấu sau lưng, trước sau gì cũng gặp họa, họa từ miệng mà ra, khẩu nghiệp là nghiệp lớn nhất của đời người.

Học gói: Học gói là học giữ gìn đoàn kết nội bộ, chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, miễn là nó không vi phạm các chuẩn tắc mà vẫn đạt hiệu quả như nguyện vọng. Học gói còn là học về công tác tinh gọn bộ máy, tinh giảm nhân sự, những cơ quan nào cần gói lại được thì phải gói, những công việc nào gói được thì phải gói, những nhân sự nào gói được thì nên gói, … Tóm lại là càng đơn giản thì càng tốt, ít tạo ra sự tốn kém phiền hà cho người dân. KHÔNG CHỊU HỌC GÓI thì đẻ ra thủ tục rườm rà nhưng hiệu quả ngày càng tệ, nhiều thủ tục thì nhiều ban bệ, nhiều ban bệ thì nhiều con người, nhiều con người thì nhiều thuế khóa, nhiều thuế khóa thì nhiều oán thán, nhiều oán thán thì nhiều đấu tranh nên trước sau gì cũng gặp họa, họa từ không chịu học gói mà ra.

Học mở: Mở rộng quan hệ, mở rộng công việc cũng cần phải học, không mở cửa thì nhà tăm tối dễ sinh bệnh tật, nhưng mở mà không biết cách đóng cửa thì gió lùa vào dễ nhiễm lạnh cũng sinh bệnh tật, mở đóng phải biết linh hoạt. KHÔNG CHỊU HỌC MỞ thì sẽ không biết cách mở, càng mở rộng dự án thì càng lún nợ, tiền bạc phát sinh càng lúc càng nhiều. Mở mà không biết cách đóng thì khi cần thoái vốn sẽ thoái không được dẫn tới bị kẹt vô thế phóng lao phải theo lao, luật chơi do người ngoài quyết định ắt trước sau sẽ gặp họa. Không mở thì không được, nhưng mở thì phải có chừng mực và phương pháp, mở được là phải đóng được. Đặc biệt là mở các quyền nhân văn xã hội như quyền dân chủ, quyền tự do, quyền khiếu nại, quyền đề đạt nguyện vọng cần phải cẩn trọng, đóng kín quá thì dân oán thán, mở nhanh quá thì tư tưởng dị biệt ùa vào, không đóng cửa kịp hoặc không biết đóng thì nhà ta toàn khách, chủ ra ngồi ngoài thềm để tiếp khách. Mọi thứ đều do không chịu học mở mà ra.

Bình luận: Học không cần học nhiều, càng nhiều thì càng rối, càng đơn giản lại càng tốt, cái cốt yếu là học sao cho đạt hiệu quả của nhận thức cao nhất. Hàng trăm môn học đôi khi không có chất lượng bằng học cho bằng tốt một câu tục ngữ của người xưa để lại.

Tục ngữ là những kết tinh trí tuệ được thử thách qua hàng nghìn năm thăng trầm, thậm chí được đánh đổi bằng máu, vàng và nước mắt nên hiếm khi sai, chỉ là mình chưa hiểu hết tục ngữ.

Đặng Hoàng Vũ (4/11/2018)
Chưa phân loại
Uncategorized