Quay Lại Thời Gian – P.20 (Cuối) Nhất Bái Sinh, Nhị Bái Tử, Tam Bái Phật, Tứ Bái Thần, Ngũ Bái Quân – Vạn Tuế, Vạn Vạn Tuế!

Tác giả: Đặng Hoàng Vũ

QUAY LẠI THỜI GIAN – P.20 (CUỐI)
NHẤT BÁI SINH, NHỊ BÁI TỬ, TAM BÁI PHẬT, TỨ BÁI THẦN, NGŨ BÁI QUÂN – VẠN TUẾ, VẠN VẠN TUẾ!

Lễ nghi, cúng bái của người Việt hình thành từ xa xưa, phần lớn ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa do sự giao thoa hàng nghìn năm. Đến thời Hậu Lê, lễ nghi, cúng bái được sưu tầm và kế thừa, truyền bá và thống nhất chung cho nhiều vùng miền trên cả nước.

Nhất bái sinh, nhị bái tử, tam bái phật, tứ bái thần, ngũ bái quân cũng theo đó mà truyền tụng sâu rộng trong dân chúng. Nhất bái sinh – Một lạy là lạy người sống, thường dùng trong lễ mừng thọ, xuất giá, lạy cha mẹ, vợ chồng giao bái. Nhị bái tử - Hai lạy để lạy người chết, dùng trước quan tài trong đám tang để phúng điếu. Tam bái phật – Ba lạy để lạy phật hay lễ chùa, trong đám tang trước hình phật là dùng 3 lạy nhưng trước quan tài thì chỉ có 2 lạy. Tứ bái thần – Bốn lạy để lạy tổ tiên, thần thánh trong giỗ quải, cúng đình, cúng miễu. Ngũ bái quân – Năm lạy là lạy vua, câu khẩu hiệu VẠN TUẾ, VẠN VẠN TUẾ có lẽ cũng từ đây mà ra. Những nghi thức này phần lớn là kế thừa từ rất lâu nhưng đến nhà Hậu Lê mới được tập hợp và chuẩn mực lại.

Về sau, lễ tang có được thêm thắt đôi chút, dùng 2 lạy nếu hôm sau còn đến tiễn lần cuối trong lễ hạ huyệt, hoặc 4 lạy nếu chỉ phúng điều một lần rồi về luôn. Lạy thế nào thì trống kèn thế đó, không cần hỏi nhau nhưng nếu thấy lạy 2 lạy là người nhà biết hôm sau họ còn quay lại để chuẩn bị cơm cảm ơn, lạy 4 lạy là có người ra cổng để chào tiễn biệt và xin lỗi tang gia bối rối niệm tình sai sót, ngay cả người mù nghe trống kèn cũng biết lễ mà giao tiếp.

Theo thời gian, lễ nghi, cúng bái cũng mai một, thậm chí là gọt dũa lại, đơn giản hóa để phù hợp với thời hiện đại, nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa cổ xưa. Thời này, đi đám tang ít ai còn nhớ chuyện dùng bao nhiêu lạy bái, phổ biến nhất vẫn là dùng 3 lạy mổ lia lịa như gà mổ thóc, nét văn hóa xưa vẫn giữ nếp nhưng sự thấu hiểu nhau thì mờ nhạt dần.

Một số lễ nghi bị lượt bỏ, như sau 3 ngày vợ chồng mới cưới phải về tạ hơn bố mẹ vợ, gọi là LỄ PHẢN BÁI, trong Lễ cúng cái đầu heo, nếu đầu heo bị cắt mất một bên lỗ tai là thông điệp chàng rể trách cứ bố mẹ vợ dạy bảo không chu đáo nên để cô dâu không còn trong trắng.

Bình luận: Lễ nghi dân gian của ngày xưa là một nét văn hóa ẩn chứa nhiều thông điệp, ngày nay vẫn giữ nét xưa nhưng phần nhiều là hình thức, còn thông điệp thì là thông điệp của thời hiện đại.

Ai cũng từng nhìn thấy nét văn hóa xưa trong thời đại này nay, nhưng không phải ai cũng hiểu được nét xưa. Thời đại nào – Văn hóa đó, rồi sẽ có lúc nét xưa cũng chẳng còn chứ nói gì đến thông điệp của ngày xưa.

KẾT: Quá khứ hàng nghìn năm, xin chọn lọc để giới thiệu 20 câu chuyện điển hình nhất! Biển trời quá khứ vẫn còn hàng tỷ câu chuyện khác, những ai muốn tìm hiểu thì cứ thả lòng mình vào quá khứ trong các câu chuyện đẹp đẽ lẫn bi ai.

Đặng Hoàng Vũ (7/11/2018)
Chưa phân loại
Uncategorized