Tiểu Sử

Tác giả: Nguyễn Ngọc Hoàng

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hoàng (2011)



Tên thật Nguyễn Thành-Hoàng sinh năm 1963
Tại Cần-Giuộc thuộc tỉnh Long-An.
Rời Việt-Nam vào tháng sáu năm 1981 đến Singapore, cuối năm 1981 định cư tại Pháp và ra đảo Corse sống ba năm. Cho đến năm 1984 trở lại Paris sống trong trường thiên chúa giáo Jean-Baptiste De Lasalle cho đến năm 1989 và sau đó ra đời 'kéo cày' cho đến ngày hôm nay.

Hiện cư ngụ tại Paris (Pháp)






Ta về thăm lại quê hương
Bờ đê, sông, rạch, ruộng vườn đổi thay
Còn chăng một chút hình hài
Thời gian đánh mất, gió mây đổi dời

Chỉ còn nỗi nhớ chơi vơi
Tro tàn lửa tắt một trời buồn sao!
Tìm em biết ở nơi nào ?..
Buồn dâng lên mắt, buồn vào thơ ta.



Đó! Tâm sự của Nguyễn Ngọc-Hoàng đã gửi vào “Tro Tàn”. Mỗi một bài thơ trong Tro Tàn là một câu chuyện mà anh đã sống qua. Theo cái nhìn của cá nhân tôi, Tro Tàn cũng là tâm sự chung của các bạn trẻ không gia đình, sống tha phương vào đầu thập niên tám mươi. Tôi đón nhận “Tro Tàn” bằng hai cánh tay mở rộng vì tôi có cảm tưởng rằng một phần của cuộc đời tôi đã nằm trong cái Đống Tro Tàn của Nguyễn Ngọc-Hoàng vậy.

Cuối cùng tôi hỏi anh ta: Tại sao lại là “Tro Tàn”? Với bản tánh ngạo mạng và hay thích đùa cợt, anh không trả lời câu hỏi của tôi mà chỉ ngâm hai câu thơ:



“Em ơi lửa tắt, bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai”
(Vũ Hoàng-Chương, Đời vắng em rồi)

Một người vừa là tri kỷ, vừa là tri âm


***********


Nguyễn Ngọc Hoàng và những vần thơ: "Ta như hạt bụi giữa đời phù du"
LÊ Ngọc Thạch



Cách đây 14 năm, một hôm, tình cờ, tôi gặp Nguyễn Ngọc Hoàng trong tiệm phở Bi Da Sài-Gòn Paris 13è, ngồi trao đổi chuyện"thời sự", chuyện"ai còn ai mất" rồi chuyện"trời trăng mây nước"... bất chợt anh đọc cho tôi nghe bài thơ anh mới vừa sáng tác. Tôi hơi xúc động, bởi lẽ, năm đó, 1996, anh 33 tuổi (sanh năm 1963 tại Cần-Giuộc) một thanh niên còn rất trẻ, mà sao lời thơ, ý thơ lại phảng phất một chút mùi" thiền" của triết lý"hư không", một vọng niệm"vô thường" trong "cõi ta bà": "Sắc danh chỉ đẹp khi đang mộng, danh lợi tồn vong vụt thoáng qua". Bẳng đi một thời gian khá lâu, cũng lại tình cờ, tôi gặp anh ở métro Porte de Choisy, anh tặng cho tôi một tập thơ mới vừa hoàn tất, 91 trang, có tựa đề"Tro Tàn". Tôi dành đúng một tháng đọc"Tro Tàn" tổng cộng 7 lần, để chiêm nghiệm, suy luận và hiểu thấm thấu tư tưởng của anh qua từng chữ, từng dấu phẩy, từng dấu chấm, từng tiết tấu nhạc điệu"trắc bình, bình trắc" cách gieo vần của mổi câu thơ.
Năm 1937, Chế Lan Viên cho ra đời tập thơ "Điêu Tàn" để than thở dùm cho dân tộc Chiêm Thành và thi sĩ đã nghẹn ngào bật lên tiếng khóc"Trời hỡi hôm nay ta chán chết Những sắc màu hình ảnh của trần gian. Rồi cả một thời xưa tan tác đổ. Dấu oai linh hùng vĩ thấy gì đâu? Thời gian chảy đá mòn sông núi lở. Lòng ta còn mãi vết thương đau." (Điêu Tàn). một sự sụp đổ toàn diện, một quốc gia bị diệt vong, mất hết không còn gì, ngoại trừ lịch sử, và được dựng lại trơng tâm trí tưởng tượng . Nào: "Những cảnh ngàn sâu cây lá ngọn. Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi". Nào: "Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta. Ý của ai trào lên trong trí óc" . Ngược lại "Tro Tàn" một trạng thái có "vạn biến" với thời gian nhưng bất biến trong tiềm thức của thi sĩ. Là bởi vì, dưới đống "Tro Tàn", lửa vẫn còn ầm ỉ cháy . lửa nhớ xưa, lửa ngậm ngùi về kỷ niệm, lửa ly biệt...ngùn ngụt cháy trong một ngày kinh hoàng bỏ cha bỏ mẹ xuống tàu vượt biên khi mới 17 tuổi.
Chế Lan Viên tưởng tượng rồi thi vị hóa cốt truyện không hẳn có thật và hoàn toàn không thấy. Còn Nguyễn Ngọc Hoàng, lấy cuộc đời mình trải nghiệm qua bao nhiêu nổi"truân chuyên, trầm bổng" thậm chí tan nát luôn cả trong giấc chiêm bao. Với tư cách là một nhân chứng, sống thực, thấy thực, có thực trước một cảnh đời "cứ mãi mãi chia ly, cứ mãi mãi tử biệt", anh thốt lên một cách não nùng: "Buồn hỡi người ơi trôi mãi trôi. Đông qua thu lại mấy phen rồi. Trai Việt, trời Âu buồn cánh nhạn.Bảy nổi năm chìm trôi mãi trôi". Hãy so sánh"nỗi buồn" của một thế hệ đi trước cách đây 65 năm để biết đích xác hơn" nỗi buồn" của Nguyễn Ngọc Hoàng trong thế hệ hôm nay. Năm 1945, Tế Hanh viết: "Một đêm kia, một người Do Thái. Kể lể cùng tôi nỗi nhớ nhà.Thất thiểu trọn đời nơi đất khách. Ăn nhờ sống gửi xứ người ta.Tôi nhớ, ông ơi héo cả hồn! Đời tôi, tôi chẳng muốn gì hơn. Là về cố quận mai sau chết. Còn có bên nhà miếng đất chôn.". Tế Hanh không bao giờ vong quốc bởi thế cái buồn của Tế Hanh là cái buồn vai mượn của kẻ khác. Vậy mà, Tế Hanh còn biết buồn đến "héo cả hồn" Nguyễn Ngọc Hoàng và thế hệ"cùng một lứa bên trời lận đận" như anh, sau năm 1975, "xa xứ" thật, "viễn xứ" thật. Đêm đêm nằm trằn trọc nhớ quê hương . Nhớ cha. Nhớ mẹ. Nhớ anh em. Nhớ người thân ruột thịt. Nhớ da diết. Nhớ ray rức. Nỗi nhớ khôn nguôi trong suốt 36 năm, không phải"héo cả hồn" mà"rướm máu cả linh hồn". Đến độ chịu không nổi, khiến anh phải gào thét trong đêm trường tỉnh mịch, một mình: "Buồn hỡi người ơi trôi mãi trôi. Tim ta băng giá tự lâu rồi. Còn đây giòng máu đầy thương tích. cuồng cuộn trào xem cuộc đổi đời" (trích Buồn)
Để chống trả với cái buồn" xa xứ" triền miên đeo đuổi. Nguyễn Ngọc Hoàng quyết định rời" cỏi mộng" thôi bay bổng lên chín tầng mây nữa,"nhập thế" bước xuống trần gian, hòa đồng với cuộc sống"ai cũng là bạn" và mượn rượu chôn lấp khối sầu: "Đời phù du buồn chán có được gì. Vui vẻ sống đời cho chi nhận đấy"(trích Mồ Côi). Đời nhà Đông Tấn (265-420) có bảy người nghiện rượu nhất nước Tàu, thành lập một"nhóm nhậu" riêng gọi là"Nhóm Thất Hiền", sống phong lưu, đài các, chẳng làm gì, chỉ biết uống rượu, và đại biểu trứ danh (uống không biết say nhưng chết sớm) cho phái" Trúc Lâm Thất Hiền" là: Nguyên tịch, Lê Khang, Lưu Linh.
Tại nhà Nguyễn Ngọc Hoàng, Ivry sur Seine, métro Pierre Curie, vào những ngày cuối tuần, luôn luôn có sự hiện diện từ năm tới bảy người "bạn hiền" cùng nhau "nâng ly", "cạn chai", rồi cùng nhau "hàn huyên tâm sự" từ chuyện ngàn xưa cho đến chuyện ngàn sau. Thoạt đầu là "bạn nhậu" lai rai, nhậu chung nhiền năm thì mến với nhau. Vắng mặt một buổi nhậu thì nhớ gần chết. Không ai thương bạn bằng "dân nhậu". Họ là những "tri kỷ" đúng nghĩa của "tri kỷ". Nguyễn Ngọc Hoàng có thể quên người tình chớ không quên được bạn nhậu: "Giai nhân đến rồi đi. Tri kỷ vẫn ngồi lỳ. Ly cạn hãy rót đầy. Tụi mình vô tư nhỉ. Rượu vẫn chưa mềm môi. Máu văn nghệ sục sôi. Đứa đàn, đứa đánh trống. Ván kia bây giờ đóng thuyền rồi" (trích:Vô Tư)
§§§
Tưởng ở lại với thế gian, nhấp rượu đến "mềm môi", sống vô tư lự, hồn nhiên, vui vẻ với các bạn thì có thể xoá sạch được" nổi buồn" chìm sâu trong tâm tư, ký ức. Không! Buồn vẫn cứ buồn! Mà nếu như không quên được thì bắt buộc phải nhớ, không còn cách nào khác hơn: "Mấy chục năm rồi sống xa quê hương. Bộ chân gầy đã mỏi gót tha phương. Nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ đàn em nhỏ. Nhớ những nhánh sông xưa nhớ ruộng vườn." Trích (Tư Lự). Đến đây người đọc mới khám phá ra được ý tưởng đích thực trong thơ của Nguyễn Ngọc Hoàng là đứa bé ra đi năm 17 tuổi mà đã chứa hết trong tim một trời quê hương! Để rồi, phải nhớ. Nhớ miên mai, nhớ mãi mãi. Có lẻ nhớ luôn đến cả kiếp sau. Bởi vì, người và quê hương cùng một linh hồn, và: "Quê hương là một con tàu suốt. Chẳng có sân ga trạm cuối cùng" (Kiên Giang)

LÊ Ngọc Thạch
Paris janvier 2011
Chưa phân loại
Uncategorized