Tản Mạn Bốn Mùa

Tác giả: Lê Đức

Thật không khó để cảm nhận và nói về bốn mùa xuân hạ thu đông. Nhưng với mỗi người thì lại có những cách cảm nhận khác nhau, vì thế mà bốn mùa của mỗi người cũng sẽ rất khác nhau. Nói đến mùa xuân, mùa đầu tiên trong năm, mùa mà sự sống mới bắt đầu và thực vật sẽ đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết quả. Có phải mẹ thiên nhiên ưu ái mùa xuân quá không? Hay do mùa xuân từ muôn triệu năm về trước đã như thế. Xuân là mùa đẹp nhất trong năm, nó là sự khởi đầu thuận lợi cho một năm mới, là mùa vui tươi rộn rã. Bởi thế mà dân gian ta mới có câu “Tháng giêng là tháng ăn chơi,...”. Nếu nói vậy thì mùa xuân là tháng ăn chơi rồi còn gì. Xuân miền Nam và miền Bắc rất khác nhau, tuy là thời điểm thì giống nhau nhưng thời tiếc đến cái phong tục lại khác nhau. Ai ở miền Bắc thì cũng biết xuân về là khi trời bắt đầu trở lạnh, là lúc ba mẹ ông bà quây quần bên nhau đó được gọi là tết đoàn viên, chúng ta cùng nhau nấu bánh chưng bánh dày, xuân về thì lại có đào nở, hoa đào như một thứ hoa không thiếu trong dịp tết đến xuân về ở ngoài Bắc. Còn ở trong Nam, khí hậu có vẻ ấm áp hơn một chút, nếu cành đào hồng là xuất thân từ Bắc thì trong Nam, chúng ta lại thấy những cánh mai vàng rực rỡ, rồi đến phong tục gối bánh tét cúng giao thừa khác ở Bắc là bánh chưng, rồi những nồi canh khổ qua, người ta nói ăn cho khổ nó qua, những tô thịt kho hột vịt mà người ta không thể quên được, đến ba mươi tết con cháu ngồi bên ông bà cha mẹ để được nghe những câu chuyện thú vị, cùng nhau xem những bông pháo nổ trên trời, dường như xuân đã về. Rồi mùng một trẻ em với áo mới chạy vui đùa trong các ngõ xóm, các cô thiếu nữ xúm xít với áo dài đi trẩy hội, lễ chùa trong khi mấy chàng trai thì đi theo sau làm ngơ rồi vô tình té ngã. Với tiếng cười rộn rã khi con nít nhận được lì xì từ cha mẹ và ông bà, đồng thời là những lời chúc mừng đầu năm. “Mùng một tết nội, mùng hai tết ngoại, mùng ba tết thầy.” Đến mùng ba các cô cậu học trò lại đến thăm và chúc Tết những người lái đò cũ của mình. Không khí tết vui đến như thế đó, dù bạn có đang buồn thì khi tết đến xuân về hãy luôn tươi cười đón nhận mùa xuân và cùng xuân quên hết những chuyện buồn năm đã qua. Nhưng rồi khi mùa xuân đi thì ai ai cũng hối tiếc cả, giá mà có thể níu xuân ở lại thêm lâu hơn, vì thế mà mùa xuân luôn được mọi người mong chờ nhất trong năm.
Còn nói về mùa hạ thì nói chắc cũng không hết. Khác với mùa xuân thì mùa hạ lại là mùa khá ôi bức và là mùa học sinh thích nhất vì lúc đó sẽ được nghỉ ngơi sau mấy tháng dài học tập mệt mỏi vất vả, nhắc đến mùa hè thì làm sao mà không nhắc đến tiếng ve và mùa phượng vĩ rực đỏ ở khắp các sân trường. Cứ mà phượng vĩ nở thì rất dễ nhận ra mùa hè đã đến, khắp sân trường một màu đỏ rực với tiếng ve kêu in ổi nhiều ngày, lúc còn đi học, tôi rất thích nghe tiếng ve vì chúng như đang hòa nhạc vậy. Hè đến, lúc đó trong lòng mấy cô cậu học trò lại nô nức biết bao, sắp được nghỉ hè rồi. Nhưng mà đôi khi đó cũng là những mùa chia li, đặc biệt đối với học sinh cuối cấp, mùa hạ có cái gì đó thật lạ. Nó mang những cảm xúc vui buồn khó tả. Bởi vì “Khi con tu hú gọi bầy” cũng là lúc mấy cô cậu cuối cấp chia tay nhau để bước đi trên những nẻo đường mới, đó là những cuộc gặp gỡ có vui có buồn, rồi chúng ta dần nhận ra chúng ta đã từng rất gắn bó với nhau nhưng đến mùa hạ cuối cấp thì cũng thật nhanh chóng xa nhau. Mới đây thôi những mùa hè trước nếu nghỉ hè thì còn vào học gặp lại được còn mùa hè cuối cấp nghỉ rồi thì khó mà gặp lại được, mấy cô cậu học sinh cuối cấp ba chắc có lẽ cảm xúc nhất, họ chia tay nhau để bước tiếp lên con đường đại học, cũng là lúc họ đã trưởng thành, là áp lực cho kì thi quốc gia sắp tới. Bởi thế mà mùa hè luôn cho người ta cái cảm giác khó tả nhất, một mùa mà khi nó đến lại làm cho chúng ta bồi hồi một cách khó tả, có phải đó là cảm giác phải chia tay thầy cô bạn bè của những cô cậu mới lớn không? Và đó cũng là mùa mà người ta cũng hay than thở nhất vì cái nóng của nó. Nhưng cũng không thể nào trách mùa hạ được vì không chỉ thế, mùa hạ đôi khi lướt qua và gieo vào lòng chúng ta những kỉ niệm thật khó để mà quên được, đó có phải là lời yêu thương đầu môi của đôi trai gái yêu nhau, ở đâu đó chúng ta vẫn thấy được những nụ cười tươi của những bạn học sinh đã vượt qua kì thi khó khăn nhất cuộc đời mình để bước lên đài vinh quang chiến thắng, là nước mắt người bố đã rơi khi thấy con mình chiến thắng bản thân mình. Bạn thì sao? Bạn có kỉ niệm nào vào mùa hạ không? Tôi nghĩ là mùa hạ của bạn cũng thật tuyệt vời như tôi vậy.
Thời gian dần trôi qua, mùa hạ đã đi thì có nàng thu chợt đến, mùa thu là mùa mát mẻ nhất trong năm, nó trái hẳn với mùa hạ nóng nực, khí trời bắt đầu dịu nhẹ và mát mẻ hẳn. Mùa thu cũng là lúc tiếng trống trường vang lên rộn ràng báo hiệu một năm học mới bắt đầu, là lời thầy cô chúc mừng năm học mới, là hình ảnh học sinh nô nức đến trường sau một kì nghỉ hè. Đó cũng là dịp để cây thay lá, khi những chiếc lá vàng rơi đầy phố, đó chính là thu Hà Nội, mà từ đó đã tạo cảm hứng cho nhiều bài thơ, bài nhạc của nhiều thi sĩ, nhạc sĩ lớn. “Em có nghe mùa thu...” trong nhạc phẩm “Mùa thu cho em”, thu còn là hình ảnh con nai vàng ngơ ngác trong thơ của Lưu Trọng Lư, là “Đây mùa thu đến” của thi sĩ Xuân Diệu, và biết bao bài thơ, bài nhạc hay khác nữa. Và chúng ta đã đồng cảm với mùa thu, vì đó có thể là một mùa để yêu thương, mùa mà chúng ta sống chậm lại để cho đi nhiều hơn, bởi mùa thu được tạo ra để dành cho những ai yêu cái tỉnh lặng lãng mạn, bởi khi người ta đã yêu thu rồi thì khó mà bỏ qua được cái cảnh vật của nó lắm. Bạn có nghĩ rằng mình sẽ đi trên một con đường đầy lá thu bay không? Ôi thật lãng mạn làm sao khi có thêm người yêu tay trong tay cùng mình. Thu còn là mùa có ánh trăng rằm, đó là ngày hội rằm tháng tám. “Một năm tháng tám trời cho/ Một ông trăng sáng thật to,...” Bởi thế mà mùa thu là mùa để yêu thương, bạn biết vì sao không? Là vì khi đó chúng ta sẽ cùng nhau gác lại công việc để quay lại tuổi thơ vào những đêm trăng rằm, là cùng các bé nhỏ xem múa lân, là đi làm từ thiện ví dụ như lễ hội trăng rằm để quyên góp tiền và tặng quà cho các bé thiếu nhi khó khăn mà tôi thường hay đọc được trên báo. Rồi đâu chỉ có vậy, hãy nhâm nhi một chút bánh trung thu, bánh trung thu thì khó mà bỏ qua rồi, bánh trung thu là một loại bánh đặc trưng cho trung thu, nó bắt nguồn từ Trung Quốc, và bánh trung thu truyền thống có đủ vị được gọi là loại thập cẩm, rồi sau này người ta mới sản xuất ra nhiều vị khác và hình thù mới lạ, như vị đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, rồi socola, nào là hình con thỏ, hình hoa sen đang nở,... Trung thu còn có cái tên khác là tết giữa năm, mà tính theo âm lịch thì nó là rằm tháng tám. Mà đến ngày này thì con nít lại vui biết bao vì được cha mẹ chở đi xem múa lân, đây là dịp thứ hai mà lân mới múa nhiều nhất trong năm. Trung thu còn phải nói đến lễ hội rước đèn, những chiếc lồng đèn đủ màu sắc, ngày xưa khi mà công nghệ chưa có tiên tiến, người ta thường làm lồng đèn bằng cách ghép nối các thanh tre, trúc mảnh rồi sau đó lấy giấy kiếng bao lại, bên trong thường sẽ có một cây đèn cầy, nếu nhà nào giàu hơn thì sẽ chơi hẳn đèn dầu loại nhỏ. Nhưng khi khoa học phát triển rồi, ngày nay khi đi đường chúng ta không khó bắt gặp những lồng đèn hiện đại mà không cần đến lửa bên trong mà vẫn phát sáng vì người ta dùng đèn led cả, bây giờ có loại đèn lồng còn có cả nhạc phát ra rồi còn xoay được nữa. Thời đó trong xóm cứ trung thu là mấy đứa con nít tụ lại một đám, đứa nào cũng xếp hàng trật tự, trên tay mỗi đứa đều có một chiếc lồng đèn dễ thương, nào là lồng đèn hình cá chép, đèn thì hình rồng, đèn thì hoa sen, đèn thì hình ngôi sao, thời đó mãi đến bây giờ đèn ngôi sao năm cánh vẫn phổ biến nhất. Rồi cả đám nối đuôi đi đều, vừa đi vừa hát “Đêm trung thu em rước đèn ông sao,...” Trong bài “rước đèn tháng tám” mà năm nào cứ thu về là lại được vang lên. Khắp xóm làng vui như mở hội, đoàn rước đi đến đâu là trẻ em xóm đó lại nối vào hàng thành ra dài như con rắn vậy, chẳng khác nào chơi rồng rắn lên mây. Đến khi mùa thu đi qua thì mọi thứ mới dần trở lại, mọi người lại bắt đầu đi làm, trẻ em lại bắt đầu đi học, cuộc sống vẫn cứ thế tiếp diễn.
Nhưng khi mùa thu đi qua thì mùa đông lại đến, cái mùa mà người ta sợ nhất trong năm, sợ cái giá lạnh của nó. Đúng thật, mùa đông luôn mang cái lạnh giá đi gieo khắp mọi nơi, ở các nước Tây âu hay Âu Mỹ gì đó, mỗi lần đông về thì y như rằng lại có tuyết rơi dày đặc, tuyết rơi thì lại đối với nhiều người thì thú vị nhưng đôi khi nó lại chính là mối nguy hiểm mang tên bão tuyết, bởi thế mà nhiều người ghét cái giá lạnh mùa đông là vậy. Không đâu xa mùa đông một số năm ở nước ta khiến cho miền Bắc chịu rét kéo dài, nhiều tỉnh thành trên vùng núi như Lạng Sơn, Yên Bái, Cao Bằng, Lào Cai có nhiệt độ xuống đến âm độ rồi ở Sa pa nơi được mệnh danh là khu vực có tuyết rơi duy nhất ở Việt Nam, Sa pa có hiện tượng đó lại là điều khiến cho những người ở vùng nắng nóng trong Nam luôn muốn hiểu cảm giác được chơi dưới tuyết nhưng không đâu, đấy lại là nỗi ám ảnh sợ hãi của nhiều người dân vùng núi đó, vì khi tuyết rơi cộng với nhiệt độ giảm xuống mức thấp sẽ gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng, hãy nghĩ bạn sẽ chết cóng ở ngoài đường nếu tuyết cứ rơi và nhiệt độ xuống đến âm mười mấy độ, có rất nhiều vụ chết người nguyên nhân cũng là do tuyết. Mà người đã không chịu được thì dễ gì con vật chịu được, nhiều trâu bò gia súc đã bỏ mạng ngoài trời lạnh giá, và chúng ta thấy trên lưng một số con lại còn đóng thành những mảng tuyết trắng, còn hoa màu đang tươi tốt và chuẩn bị được bà con thu hoạch thì lại bị chết vì nhiệt độ quá thấp, tuyết rơi khiến cho hoa màu không thể chịu được, nên gây ra mất mùa, lúc đó người dân sẽ thêm khổ. Mùa đông còn là hình ảnh của đóm lửa hồng rực đỏ, đó là cách mà chúng ta có thể sưởi ấm cho nhau, thường thì những gia đình đồng bào miền cao phía Bắc, trong nhà luôn có những bếp củi như thế để khi nào trời quá lạnh thì nguyên gia đình sẽ ngồi lại bên đống lửa để giữ ấm cho nhau. Đó còn là hình ảnh của những em bé nghèo không có áo lạnh nào để che thân, khi trời lạnh thì thân thể co ro nhìn rất tội nghiệp. Mùa đông là như thế đấy, nó luôn khiến cho chúng ta có cảm giác không được thoải mái cho lắm. Nhưng đôi khi mùa đông cũng rất hào phóng, chắc các bạn cũng biết noel rồi, noel hay còn gọi là lễ giáng sinh là lễ kỉ niệm ngày ra đời của chúa Kitô Gieusu, là một dịp thiêng liêng của đạo Kitô giáo, theo truyền thuyết thì chuyện kể chúa Jesu được sinh ra trong một máng cỏ ở vương quốc Judea, lúc đó ở bên Ngài có bà Maria (mẹ của Ngài) và ông Giuse (cha của Ngài), sự kiện đó được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu ngày mà một đấng cứu thế xuất hiện, ngày này thường rơi vào ngày 25 dương lịch mỗi năm. Cứ đến lễ giáng sinh thì những gia đình bên đạo công giáo lại nô nức dọn dẹp nhà cửa như một thông lệ hàng năm. Phần quan trọng nhất là phần rước lễ nhà thờ, đó là lễ trọng thường diễn ra vào đêm giáng sinh. Giáng sinh đến là dịp để người ta tặng quà cho nhau, là dịp để nhắc đến ông già noel, một người mà trẻ em nào cũng biết, và luôn mong ước được đặt chân đến quê hương ông ở ngôi làng Santa Claus thuộc Rovaniemi, vùng Lapland, Phần Lan. Có một chuyện kể rằng vào những đêm giáng sinh ông già noel sẽ đi trên một cỗ xe được 8 con tuần lộc xếp thành hai hàng kéo bay đến tặng quà cho trẻ em khắp thế giới, ông thường leo xuống bằng đường ống khói và đặt quà vào những chiếc tất treo trên bệ lò sưởi hoặc đặt chúng ở dưới cây thông noel. Nhưng bạn phải là một đứa trẻ ngoan thì mới có thể có tên trong danh sách của ông, còn nếu quá hư thì đừng hòng. Chuyện ông già noel luôn đi đôi với chuyện cây thông noel, cây thông noel là một cây thông bình thường nhưng nó được đính thêm nhiều đồ trang trí lên và được quấn thêm đèn và dây kim tuyến, bây giờ có rất nhiều loại cây noel đủ kích cỡ nhưng ngày xưa muốn có cây thì phải tự vào rừng thông mà chặt, thường sẽ là cây to nhất đẹp nhất được mang về, trên đỉnh cây thường được gắn một ngôi sao tượng trưng cho ngôi sao đang phát sáng trên trời. Những món quà đủ màu sắc luôn là hình ảnh khá quen thuộc trong lễ giáng sinh. Những năm gần đây, khi giáng sinh về trên khắp các nẻo đường thành thị thì người dân lại ra phố coi đèn, như thông lệ thì người ta còn làm hang đá để khắc họa lại hình ảnh chúa Jesu được sinh ra, nếu bạn ở thành phố Hồ Chí Minh thì không khó bắt gặp hình ảnh thánh lễ quen thuộc ở nhà thờ Đức Bà, còn nếu bạn là dân Hà Nội thì chắc hẳn bạn sẽ tụ họp về nhà thờ lớn Hà Nội để ăn mừng giáng sinh. Mùa đông luôn đọng lại trong kí ức mỗi người nhiều cách khác nhau, nhưng làm sao có thể quên được mùa đông tuy lạnh nhưng lại ấm áp tình người, bởi vì là mùa cuối cùng trong năm, nên thời điểm này là lúc người ta ngồi lại với nhau trong những buổi tiệc muộn và thường nhớ lại và kể cho nhau nghe những chuyện đã làm trong năm và chuẩn bị chờ đến mùa xuân năm mới đến.
Chưa phân loại
Uncategorized