Niềm Vui Xóm Ngập

Tác giả: Đặng Hoàng Vũ

Xóm ngập, thực ra là một khu phố nhà giàu với nhiều căn biệt thự có mái kiểu Thái sang trọng. Mọi khi khu phố ấy rất yên tĩnh, có bảo vệ canh gác, có camera quan sát, ngay cả một con muỗi bay qua vẫn phát ra tiếng vo ve cho cả xóm cùng nghe. Ấy vậy mà hôm nay cái khu phố ấy thật rộn ràng và vui nhộn sau một cơn mưa to như trận đại hồng thủy trút xuống. Rền vang những tiếng nói, cười, rồi mọi người cùng đặt cho nó một cái tên mới là “Xóm ngập”.

Tại phòng khách của một căn biệt thự, nước đã ngập cao hơn đầu gối của thằng anh 10 tuổi và trên cả rốn của cậu em 6 tuổi. Chúng nó đang rượt đuổi nhau chạy quanh từ khắp trong nhà ra ngoài sân, dường như từ bé đến giờ, sông nước đối với chúng nó chỉ có trong những thước phim trên ti vi. Hết chạy rồi bơi, đứa này tạt nước vào mặt đứa kia tung toé rồi khanh khách tiếng cười, mặc những người lớn đang hì hục dọn đồ lên những chổ cao ráo, chẳng buồn la mắng tụi nó. Những câu hỏi lẫn câu trả lời ngô nghê đậm chất trẻ con ở cái tuổi căng tràn khám phá: “Sao nước lại có màu đen mà không phải màu trắng như nước mẹ rửa rau thường ngày vậy anh hai?”, “Vì nước này có phù sa, cô anh bảo nước phù sa là tài nguyên của đất nước, nước phù sa chảy trên đất màu đỏ thì có màu đỏ, chảy trên đất màu vàng thì có màu vàng, nay nước có màu đen chắc là nó chảy trên đất màu đen đấy em ạ”. “Ồ đằng kia có con cá thật nhiều chân đang bơi lạ quá kìa anh”, “Không, đấy là con cuốn chiếu đấy, con cuốn chiếu có rất nhiều chân, cá thì làm sao có chân được”. “Anh bắt cho em chơi đi”, “anh không dám bắt”, “em cũng không dám bắt, để em gọi ông đến bắt nhé”. “Ông ơi, ông ra bắt dùm cháu con cuốn chiếu đi ông ạ”, tiếng ông vọng ra “mưa ngập thế này, cuốn chiếu ở đâu mà bắt cho cháu”. “Nó đây nè ông ạ”, người ông tầm tuổi 70 xanh tái mặt, vớ vội cây chổi đập túi bụi “trời ạ, con rết to thế này mà chúng nó bảo là cuốn chiếu, suýt tí là khổ cả nhà rồi. Đi vào trong nhà hết cho ông ngay”. Hai đứa trẻ lại chạy quanh hết phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp rồi đến phòng vệ sinh. Cả nhà đang rộn ràng thì bố của chúng nó cười hô hố “cả nhà ơi, xem này, phòng ngủ nhà mình có con cá rô”, vừa nói, ông bố vừa xách đầu con cá rô giãy đành đạch. Hai đứa trẻ lại càng khoái chí, thằng anh lắm miệng “cô con bảo nước mình tài nguyên phong phú, rừng vàng, biển bạc, chim đầy trời, cá đầy sông, hôm nay con mới biết thì ra phòng ngủ nhà mình cũng có”. Mấy bố con lại tranh nhau giành giật con cá với những tiếng rộn ràng và những nụ cười tít mắt “mẹ nó ơi, con cá này là cá sạch, không có ướp hoá chất đâu, tí mẹ nó làm món gì ngon đi nhé”, còn thằng con thì í ới “không, tụi con muốn nuôi nó cơ”. Một buổi chiều thật ý nghĩa với chúng nó, nếu không nhờ trận mưa to chiều nay thì những đứa trẻ thành thị như chúng nó làm gì biết cái cảnh sông nước có nhiều cá và tài nguyên phù sa như vậy, một ký ức đẹp mà có lẽ khi lớn lên chúng nó không thể nào quên.

Còn ở cái hiên nhà, chiếc xe ô tô sang trọng đã ngập gần đến nóc. Ngày thường, chiếc ô tô ấy là phương tiện đưa lũ nhỏ đi học, bố mẹ chúng nó thì đi làm. Còn hôm nay, chiếc ô tô vẫn may mắn còn được cái nóc cho con chó cưng đứng trên đó vẫy đuôi, thỉnh thoảng nhìn xuống dòng nước kêu ăng ẳng, mặc cho bên trong mọi người vẫn lăng xăng dọn dẹp. Căn biệt thự vẫn phủ đầy nước mỗi lúc một cao, đồ đạc trong nhà thì mỗi thứ đứng một kiểu dáng như những diễn viên múa ba lê chuyên nghiệp. Chiếc tủ lạnh thì lật ngược đầu xuống, đưa cái phần đáy lên trên để tránh nước ngập lốc máy, nhìn nó không khác gì đang nhảy hip hop. Bộ trường kỷ đắt tiền thì cái này đứng chồng lên đầu cái kia như đang làm xiếc hay ảo thuật, còn cái nệm thì vắc vẻo một đầu trên tủ quần áo, một đầu tựa vào cái giá treo đồ, cứ như là một cô gái mặc ếm thắm nằm nghiêng người ngủ. Sợ sau này không còn nhìn thấy được một bức tranh đẹp đẻ, nên thơ như vậy nên mẹ lũ trẻ vội dùng điện thoại chụp lại vài tấm ảnh để đăng lên mạng xã hội cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Tuy có mệt hơn ngày thường một chút, nhưng vậy cũng hay, chí ít là nó làm thay đổi cuộc sống đơn điệu mà ngày nào cũng giống hệt như nhau của một gia đình giàu có.

Trời càng về khuya, không gian rộn ràng từ chập chiều có vẻ tạm lắng xuống thì những tiếng hỏi thăm của hàng xóm làm cho cái xóm ấy như muốn nổ tung một lần nữa, họ nắm tay nhau, họ hỏi thăm lẫn nhau “nhà chú ngập sâu không? Nhà chị thế nào? Để tui vào xem cái coi? Tối nay mấy đứa nhỏ ngủ đâu? Xe đâu mà đưa chúng nó đi thuê khách sạn?”, rồi đủ kiểu hỏi thăm trên đời, hết người này đến người kia. Những người hàng xóm thật dễ thương và thân thiện, ấy vậy mà bao nhiêu năm nay họ chẳng biết chút gì về nhau, nhà nào cũng đánh xe hơi từ nhà ra đường, rồi từ ngoài đường vào nhà, suốt khoảng thời gian còn lại là phần dành cho những cánh cổng to bệ vệ, quay về cùng một hướng mặt đường để hỏi thăm nhau thay cho các ông chủ của mình. Thực ra, những hàng xóm ấy mỗi năm cũng đã từng gặp nhau đôi ba bận trong cuộc họp khu phố, nhưng ai cũng bận bịu đọc báo hay dán mắt vào những mẫu tin trên điện thoại mà chưa kịp chào hỏi nhau. Họ chờ đợi bác Trưởng khu phố đọc xong cái báo cáo rồi vỗ tay đồng ý, phát biểu qua loa vài ba câu tán dương, sau đó thì đóng tiền ra về, cái chào hỏi thông thường của họ là bấm còi xe inh ỏi để tranh đường đi mỗi khi vừa họp xong. Thật cảm kích với cơn mưa vàng đã đưa những người hàng xóm xa lạ nhiều năm nay được gần gũi với nhau hơn, và chắc chắn một điều là sau này đám tang của một ai đó trong số họ sẽ được thêm ít nhất một nén nhang.

Để xua tan đi không gian tĩnh mịch, chật hẹp mà thời gian thì quá dài cho một đêm, mấy cánh đàn ông lôi những chai rượu tây thơm hơn mùi nước xung quanh ra để lai rai. Họ vắt vẻo ngồm xổm trên những cây thang, chiếc ghế, cái bàn còn nhô đầu cao hơn mặt nước để bàn đủ thứ chuyện trên đời. Tiếng nói, cười vang vang xua tan cái đêm tĩnh mịch đầy kỷ niệm của xóm ngập ngày hôm ấy, và nó chỉ tạm dừng khi một người trong số họ thốt lên một câu với chất giọng ngà ngà say “Muốn có một giấc ngủ yên cũng không dễ, trời là của chung thiên hạ, phong ba, bão táp mà đến thì nó có tha cho ai đâu”.

Xóm ngập chìm trong đêm tối mà chưa biết khi nào trời sáng.

Đặng Hoàng Vũ (28/9/2016)
Chưa phân loại
Uncategorized