Đất Quốc Phòng Làm Sân Golf Và Chính Sách “ngụ Binh Ư Nông”

Tác giả: Đặng Hoàng Vũ

ĐẤT QUỐC PHÒNG LÀM SÂN GOLF VÀ CHÍNH SÁCH “NGỤ BINH Ư NÔNG”
Xã hội đang dậy sóng tiếp một chủ đề mới là chọn sân bay hay chọn sân golf, một chủ đề rất nhạy cảm nhưng có thể trở thành tiền lệ để thu hẹp đất quốc phòng ở nhiều nơi khác chứ không chỉ riêng Tân Sơn Nhất, mà bình phong của nó chính luật đất đai.
Rõ ràng, nếu chiếu theo pháp luật đất đai hiện hành thì việc dùng đất quốc phòng cho mục đích kinh tế nói chung và làm sân golf nói riêng là chưa có cơ sở pháp lý chắc chắn (không dám nói là trái luật, tham khảo thêm các điều 61, 148 của Luật đất đai số 45/2013/QH13 và điều 50 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP).
Tuy nhiên, nếu xét về yếu tố chính trị thì đó lại là một việc làm cần thiết để đảm bảo cho quốc phòng và an ninh quốc gia. Nhiều khả năng là lập pháp có vấn đề và cần phải sửa lại luật đất đai cho phù hợp để đảm bảo cơ chế chắc chắn cho nội dung liên quan đến đất quốc phòng, an ninh.
Nhà nước cần phải đảm bảo cho công tác quốc phòng và an ninh một diện tích rộng lớn đất đai nhất định, ngay cả trong khu dân cư. Việc đảm bảo đó là để đề phòng khi có chiến tranh còn phải tập kết quân đội, làm bãi đáp cho máy bay trực thăng, kho chứa lương thực, các phương tiện khí tài, … Nếu không có những đảm bảo đó thì quân đội sẽ không có phương án xử lý tốt nhất nếu chiến tranh xảy ra.
Tuy nhiên, nếu để diện tính đất rộng lớn đó bị bỏ hoang, chỉ chờ để đối phó lúc chiến tranh thì là một sự lãng phí rất lớn, trong khi ngân sách phải tăng cường thêm để đảm bảo cho quốc phòng. Vì vậy, diện tích đất quốc phòng cần phải được phát huy tối đa hiệu quả, kể cả làm kinh tế mà không ảnh hưởng đến kế hoạch tác chiến của quân đội khi có chiến tranh.
Việt Nam là một nước nhỏ, điều kiện kinh tế có giới hạn nhưng phần lớn thời gian là chiến tranh. Do đó, nguồn kinh phí cho quốc phòng nếu chỉ dựa hết vào kinh tế dân sự thì không thể có chất lượng tốt. Giao cho quốc phòng làm kinh tế là một giải pháp hữu hiệu và là truyền thống của nước Việt mấy nghìn năm nay bằng chính sách “ngụ binh ư nông”.
Ngụ binh ư nông là chính sách nửa quân sự, nửa dân sự trong thời bình, cho đến nay thì có nhiều tài liệu ghi chép khác nhau, có sách viết từ thời nhà Đinh (Đinh Tiên Hoàng), có sách nói nhà Tiền Lê (Lê Đại Hành), nhưng cũng có sách nói từ thời nhà Lý. Tóm lại, cho quân đội làm kinh tế trong thời bình là kinh nghiệm và truyền thống quốc phòng Việt Nam.
Ngày xưa chủ yếu là phát triển nông nghiệp nên dùng “ngụ binh ư nông”, nhưng nay thời đại thay đổi nên không nhất thiết là “ngụ binh ư nông” mà có thể mở rộng thành “ngụ binh ư thương”, miễn là mục đích để tận dụng tối đa nguồn lực quốc phòng trong thời bình lẫn thời chiến. Do vậy mà quân đội hiện nay kiến tạo nên Viettel hay dùng đất quốc phòng để làm sân golf hoặc một chính sách kinh tế nào khác cũng không có gì là lạ.
Nếu luật đất đai hiện hành chưa nhìn thấy được yếu tố đó của đất quốc phòng thì có thể sửa luật để quy định lại. Nhưng nếu chỉ căn ke vào luật đất đai để làm cho đúng, thu hồi các diện tích đất quốc phòng để dùng vào mục đích dân sự thì coi chừng cái họa trên đầu nếu có chiến tranh.
Sân gofl – chuyện nhỏ nhưng không nhỏ trong sự nhận thức về vai trò của quân đội.
Đặng Hoàng Vũ (15/6/2017)
Chưa phân loại
Uncategorized