Cái Tôi Đương Đại

Tác giả: PHẠM KHANG

Cùng với bước tiến của sức mạnh khoa học và kinh tế, con người từng có lúc đã yên tâm rằng họ có đủ công cụ để không những làm chủ số phận mà còn đủ khả năng phân tích mổ xẻ tường tận bản ngã. Từ Lãng Mạn tới Hiện Thực, từ Tượng Trưng sang Siêu Thực, từ Biểu Hiện tới Lập Thể, …, tư duy sáng tạo của thời kỳ Hiện Đại đã không ngừng được làm mới trên những tấm gương khổng lồ. Chúng soi vào nội tạng bản ngã để quay lại phản chiếu ra những vòm trời khác nhau bao trùm lên hiện thực đời sống. Mỗi tấm gương đều tiềm ẩn ý chí và tham vọng to lớn của cá nhân hướng tới sự lột tả những quy luật nhân văn mang tính phổ quát. Chúng xuất phát từ góc nhìn nơi mà cái ta có một vị trí trung tâm vững chãi để nhìn rộng ra thế giới bên ngoài nó.

Mỗi con người dường như đều mang trong mình tiềm năng to lớn để khám phá, cảm thông, và chia sẻ cùng thế giới ngoài nó. Người ta hiểu ra rằng cái tôi không khách quan đến thế. Cái tôi vĩnh viễn chỉ là những cá thể tồn tại chủ quan và hữu hạn theo đặc thù của hoàn cảnh tạm thời. Tri thức, chí hướng, hay tất cả mọi mối quan tâm lớn nhỏ của họ về bản thân cùng thế giới xung quanh cũng hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm chủ quan của số phận cá thể ấy. Mỗi một mạch kinh nghiệm được trải nghiệm và ghi nhớ đơn thuần qua những chuỗi bế tắc riêng lẻ nhất thời. Tư tưởng phương Tây cuối cùng cũng đã biết ngơ ngác dừng bước khi nhận diện ra bản chất vô thường và tương đối của hiện thực.

Khi nhận ra bản chất chủ quan vô thường của góc nhìn cá thể, mỗi cái tôi không thể tránh khỏi hoang mang. Thế giới đột nhiên hỗn mang đáng sợ khi mà vị trí cột trụ trung tâm của cái ta trong nhận thức đột nhiên lung lay chao đảo. Con người trở nên nghi hoặc đặt dấu hỏi vào khả năng thấu hiểu bản ngã, thấu hiểu thế giới. Nó cũng nghi vấn độ xác thực của khả năng tương tác, cảm thông, và chia sẻ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá thể với cộng đồng. Những tấm gương khổng lồ của thời kỳ Hiện Đại đột nhiên không còn gì là thần kỳ nữa khi soi vào bên trong bản ngã. Chúng biến dạng thành những thấu kính tiềm tàng đầy rẫy sự chủ quan méo mó. Đó là tổng thể toàn bộ bức tranh về sự giằng xé trong nội tại từ thấp tới cao trong con người và xã hội. Nó giải thích cho sự hình thành nên tất cả những gì thuộc về trào lưu văn hóa Hậu Hiện Đại.

Cái tôi Đương đại một lần nữa lại đứng trước những thử thách to lớn và vinh quang của thời…của đời sống trên chuỗi các giá trị mới cũ gào thét và đào thải không thương tiếc thông qua nghệ thuật trác việt của thời đại…

PK…
Chưa phân loại
Uncategorized