Sự Tích 12 Con Giáp (Chế Tác)

Tác giả: Đặng Hoàng Vũ

LỜI MUÔN THÚ
(PHẦN 1 - SỰ TÍCH 12 CON GIÁP)

Chuyện kể, ngày xa xưa có vị “Bụt Tổ” được xem là một đấng tối cao để quản lý muôn loài. Thuở ấy, chưa có con người và muôn loài sống với nhau rất hiền hoà, mỗi một loài có một con đầu đàn làm đại diện gọi là “Loài Trưởng” nhưng từng con một thì không có tên gọi. Một hôm, để kiểm tra xem muôn loài có chí thú làm ăn hay không và cũng để đặt tên cho “Loài Trưởng”, Bụt Tổ liền đưa ra quy định “sau một kỳ hoa mai, hoa đào nở, từng Loài Trưởng một sẽ đến báo cáo cho Bụt Tổ về thành quả làm lụng được”, thuở ấy chưa có khái niệm năm và tháng, chỉ có khái niệm ngày được đếm bằng mỗi lần mặt trời mọc rồi lặn.

Đúng hẹn, kỳ hoa mai, hoa đào nở gần nhất thì từng Loài Trưởng đến báo cáo thành quả với Bụt Tổ:
1. Ngày thứ nhất: Con Chuột
Con chuột là loài có nhiều thành quả và đến báo cáo sớm nhất với Bụt Tổ. Bụt Tổ hỏi “Ngươi làm gì mà có nhiều thành quả sớm đến thế?”. Chuột liền bảo “Nghe theo lời Bụt dặn, trong kỳ hoa mai, đào chưa nở Con đã đi ăn trộm khắp nơi nên mới nhanh được đến thế. Bây giờ thì Con đã đến sớm nhất, thế nên ăn trộm là cách nhanh nhất để có thành quả đấy Bụt ạ”.
Bụt Tổ nghe xong nổi giận quát “Ta bảo ngươi chí thú làm ăn chứ đâu bảo ngươi đi ăn trộm, bây giờ ngươi ăn trộm bao nhiêu cân nặng của thế gian thì phải trả lại thế gian bấy nhiêu cân nặng trên cơ thể”. Sau đó thì hô biến một tiếng, chuột liền biến thành con vật bé tí tẹo vì toàn bộ thân thể của nó đều bị trả lại.
Sau khi bị biến thành con vật bé tí tẹo, Bụt Tổ đặt cho nó một cái tên mới là “Tí”, đồng thời phẩy lên người nó một cốc nước hôi hám và nói “trộm cắp là con đường nhanh nhất cho ngươi thành quả, nhưng rồi thế gian cũng sẽ lấy lại của ngươi tất cả những thành quả ấy. Không những vậy, ngươi còn bị thế gian khinh bỉ bởi mùi hôi hám không bao giờ rửa sạch, ai cũng biết là ngươi hôi nhưng có duy nhất nhà ngươi là không biết mình hôi mà thôi”. Nói rồi, Bụt Tổ ném con chuột trở lại thế gian để suốt đời chỉ có đi làm trộm cắp và đục khoét.
Về lâu dài, dân gian quen miệng nên gọi “Tí” thành “Tý” để ám chỉ một loài chuột như thế.

2. Ngày thứ hai: Con Trâu
Ngày thứ hai, con trâu đến thưa với Bụt Tổ và báo cáo thành quả làm lụng cật lực của mình. Bụt Tổ nghe xong rất hài lòng vì tính cách cần cù, chịu khó của trâu, đồng thời đặt cho nó một cái tên mới là “Sưu” (sưu là tìm tòi, ví như sưu tầm, sưu tập) với hàm ý là con vật có ích, chí thú làm ăn, mà tận lực làm ăn thì sẽ tìm tòi, khám phá ra những điều bổ ích. Nói rồi, Bụt Tổ cười và sai con trâu trở lại thế gian tận tụy làm việc giúp ích cho đời.
Thế nhưng, lâu dần dân gian quen miệng đọc “Sưu” thành “Sửu”, nhưng có lẽ việc nhầm lẫn cũng có lý do của nó. Chính vì lẽ con trâu cần mẫn làm lụng nên hiền lành, chất phát, hay bị lợi dụng và trăm đầu thuế khoá (bị các loài khác ức hiếp) của thế gian đều đổ trên đầu con trâu, cho nên “Sưu” đã biến tướng thành “Sửu” (Sửu = Sưu + Hỏi), “Hỏi có bao nhiêu cái sưu (sưu thuế) đổ trên đầu con trâu” nên sưu thành ra sửu là vì vậy.

3. Ngày thứ ba: Con Cọp
Ngày thứ ba con cọp đến chầu. Cọp là con vật có sức vóc mạnh mẽ, oai dũng gấp mấy chục lần con trâu nhưng đến muộn hơn con trâu nên làm Bụt Tổ không vui. Bụt Tổ hỏi “Ngươi có sức khoẻ phi thường nhưng sao lại đến muộn?” Con cọp liều tâu “Dạ, con phải quản lý cả khu rừng rộng lớn cho bọn kia khai thác rồi nộp thành quả về, chúng nó nộp chậm quá nên con đến trễ ạ”. Bụt Tổ nheo mày rồi nói “thế gian đã cho ngươi sức vóc khoẻ mạnh hơn nhiều giống loài khác, nhưng ngươi đã không biết cần mẫn làm lụng mà lại ức hiếp, dựa dẫm vào sức lao động của kẻ khác, thế có khác gì với phường cướp bóc”.
Nói rồi, Bụt Tổ phẩy tay một cái thì con cọp biến ra các nanh vuốt nhọn hoắc với tiếng gầm xa đến mấy khu rừng. Sau đó Bụt Tổ bảo “Ta đặt cho ngươi cái tên là “Cần” để ngươi nhớ rằng phải cần mẫn làm thì mới có cái ăn, chứ không phải cậy thế khỏe mạnh mà ức hiếp kẻ khác mà có cái ăn, không ai có thể chịu đựng mãi với một ông chủ bạo tàn”. Sau đó, con cọp trở lại khu rừng thì các giống loài khác đều kinh sợ móng vuốt và tiếng gầm thét oái ác của nó mà bỏ trốn hết, nên không còn loài nào cống nạp cho nó nữa. Con cọp với hình dáng oai dũng, lực lưỡng, cần mẫn đi kiếm ăn suốt cả ngày lẫn đêm mà vẫn luôn trong tình trạng thiếu đói, hình ảnh của nó khác hẳn với con voi to xác, khệ nệ, chậm chạp hơn nó rất nhiều nhưng rừng thì không bao giờ hết cho voi ăn.
Tên “Cần” lâu ngày cũng bị nói lệch thành “Dần” và từ đó tiếng “Dần” thông dụng hơn “Cần” vốn để chỉ cho loài cọp rừng.

4. Ngày thứ tư: Con Mèo
Con mèo vốn dĩ là em họ hàng với con cọp, ở thế gian nó hay cậy sức mạnh của anh nó mà tác oai, tác oái, cái hôm con cọp lên chầu thì nó cũng lẻo đẻo đi theo. Ngày thứ tư con mèo lửng thửng đến gặp Bụt Tổ với gương mặt xấc láo “Tôi là em của con cọp, cả thế gian không ai là không sợ Tôi, ai dám đụng đến Tôi thì anh tôi sẽ cho họ biết tay ngay”. Con mèo không hề biết rằng con cọp – thằng anh của nó vừa bị Bụt Tổ đuổi cổ về khu rừng từ tối đêm qua. Bụt Tổ nghe xong từ tốn nói “ngươi bảo ngươi là em của cọp thì hãy gầm lên như anh của ngươi cho ta xem”. Con mèo vẫn không hiểu Bụt Tổ hỏi gì, vẫn cái gương mặt xấc láo “Tôi không biết gầm, nhưng chỉ cần anh tôi gầm là đủ rồi”. Nghe xong, Bụt Tổ hô biến một tiếng thì con mèo có hình dáng trông giống con cọp y như đúc nhưng bé xíu, nó bực bội nhảy lưng tưng khắp nơi. Bụt Tổ chỉ mặt nó và nói “ngươi không biết gầm thì không phải cọp, mà em của cọp thì chưa chắc đã là cọp, ta đặt cho người cái tên là “Méo”, ý nói rằng ngươi không tròn trịa như anh của mình thì đừng vỗ ngực xưng tên, cậy thế, cậy quyền mà không có bản lĩnh và năng lực thì không làm được tích sự gì cho thế gian cả”.
Con mèo khi trở về thế gian thì các con vật khác thấy nó đều lăn ra cười phát ngất vì hình hài nó như một chú cọp nhưng bé tí teo, nó giải thích mãi nó là em của con cọp mà cũng chẳng con nào tin. Lâu dần, nó bực tức và không muốn sống trên cái bóng của con cọp nữa, bực tức đến mức đi ị cũng moi giấu cho bằng được phân giống như giấu đi thân phận của mình vì từng là em của con cọp.
Từ “Méo” là để chỉ con mèo, ý nói nó giống y như đúc nhưng không tròn trịa, oai hùng như cọp được, lâu ngày người ta phát âm “Méo” thành ra là “Mẹo”.

5. Ngày thứ năm: Con Rồng
Con rồng có hình dáng uy nghiêm, hùng dũng nhưng nó không màng đến thế sự, cả ngày lẫn đêm nó vẫn cứ đắm mình ngủ trong biển cả mênh mông với con rắn cái xinh đẹp, đến kỳ hoa mai, đào nở mà nó cũng chẳng hề hay biết. Cho đến ngày thứ năm theo hạn định thì con rắn cái xinh đẹp nhưng gian xảo đến thủ thỉ vào tai nó “Hôm nay đã đến ngày thứ năm chúng nó tranh công, anh còn định nằm y thinh ở đây đến bao giờ?”. Lúc đó, Rồng mới sực tỉnh dậy, vươn mình lên cao và hút một mạch thì toàn bộ ngọc trai, trân châu và san hô xung quanh đó đều vào tay nó, nhanh như tia chớp Nó đưa theo con rắn cùng đi đến nơi Bụt Tổ.
Bụt Tổ nhìn thấy rồng và rắn cùng đến một lúc thì không tiếp rắn, chỉ cho con rồng ở lại. Ngày nay, người ta thấy những ai cứ đến cùng một lúc thì đều lấy tích này để chỉ “rồng rắn thi nhau đến, rồng thường đi với rắn”. Con rồng bảo “Tôi chỉ cần làm một tí thì đã bằng cả thế gian làm một kỳ hoa nở, Ông thấy sao?” Bụt Tổ nghiêm nghị nói “Ngươi giỏi thì sao không chịu làm mà luôn nằm ì ra đó, làm một tí thì được một tí, làm một kỳ thì được một kỳ. Ngươi làm một tí đã bằng cả thế gian làm một kỳ, nhưng ngươi thử làm một kỳ xem có hơn được thế gian không, chỉ vài tí của ngươi thì ngọc trai, trân châu và san hô cũng sẽ hết, cái ngươi hút được cũng chỉ còn là cát đá thôi. Mới làm một tí mà đã nổ vang trời đất như thiên hạ không ai bằng mình”. Con rồng nghe xong ngượng ngùng đỏ mặt rồi xin trở lại biển cả.
Bụt Tổ đặt cho nó một cái tên “Thinh”, tức là im lặng với hàm ý “chỉ nằm y thinh một chổ thì có giỏi cũng không ai biết mình giỏi, mà có giỏi rồi thì cũng phải im lặng, nín thinh để thiên hạ biết ta giỏi là được”. Nói rồi, con rồng trở lại biển cả mất bóng, mất hình, ai cũng biết con rồng oai hùng nhưng rồi không ai thấy được bộ dạng của nó, đến nay vẫn không rõ nó vẫn nằm y thinh ở nơi nào trong biển cả mênh mông hay Nó cố tình lặng thinh cho thiên hạ nghĩ về Nó như một kẻ giỏi giang nhưng bất mãn, chờ thời. Tên “Thinh” mà Bụt Tổ đặt cho nó lâu dần người ta gọi chệch đi là “Thìn”.
6. Ngày thứ sáu: Con Rắn
Hôm sau, tức ngày thứ sáu, Bụt Tổ gọi con rắn vào và mắng “Ngươi có nhan sắc, thân thể lại dẻo dai, khéo léo nhưng không chịu tận dụng để làm những việc tốt đẹp. Ngược lại, ngươi dùng những tâm tính đố kỵ với các giống loài khác và những lời thâm độc để mê hoặc con rồng, ngươi dùng sắc đẹp và sự khéo léo của rắn cái để làm cho con rồng đực ảo tưởng sức mạnh. Rồng là loài uy dũng nhưng không chịu ra cùng thiên hạ cũng là vì ngày đêm ở bên cạnh ngươi, nó ảo tưởng sức mạnh cũng vì ngươi. Ngươi đẹp là một đặc ân của tạo hoá, nhưng cái đẹp đó chỉ cần thêm một chút thâm độc là sự hủy diệt của nhân gian, giả sử một ngày nào đó con rồng vùng vẫy, gầm thét từ sự ton hót của ngươi thì thế gian đại họa”.
Nói rồi, Bụt Tổ phẩy tay một cái, con rắn biến thành tí tẹo, miệng ú ớ, lưỡi của nó bị tách đôi “Miệng của ngươi có nhiều thâm độc, kể từ nay ngươi gặp loài nào cũng phải thè cái lưỡi ra để chúng nó biết có độc mà còn tránh. Giờ đây, rắn và rồng là hai loài khác nhau, ngươi không đủ chân thiện để to lớn mà ở bên cạnh con rồng. Ta đặt cho ngươi cái tên là “Tỳ”, tỳ trong nghĩa tỳ thiếp, hầu hạ để cho ngươi nhớ mãi về ký ức giữa ngươi với rồng, vì ngươi không xứng đáng đặt ngang hàng với con rồng, có chăng chỉ là hầu hạ cho rồng mà thôi. Đồng thời, tỳ cũng có nghĩa là tỳ vết, xấu xa, thâm độc như là một tỳ vết trên lưỡi của ngươi”.
Từ “Tỳ” lâu dần bị người ta gọi lệch là “Tỵ” ám chỉ con rắn độc.

7. Ngày thứ bảy: Con Ngựa
Con ngựa ở thế gian vui tính, hay đi đây đi đó, dòm ngó chổ này chổ nọ, tính tình hiền lành, chăm chỉ làm lụng, hay giúp đỡ các giống loài khác vận chuyển thức ăn. Con ngựa được tạo hoá cho nó có năng lực chạy nhanh nhưng cứ hễ gặp loài nào khó khăn là đứng lại giúp, cho nên đến ngày thứ bảy mới đến được nơi của Bụt Tổ.
Bụt Tổ thương con ngựa tính tình hiền lương lại vui tính, vì nó thích đi nơi này, nơi khác nên Bụt Tổ chọn cho Nó một cái tên là “Đó”. Tức là, đối với ngựa thì không bao giờ chịu đứng yên một chổ, lúc nào cũng có mục tiêu phía trước mà chạy hoài không tới được, chỉ biết ngó và chỉ tay “ở đó”.
Tên “Đó”, có khi còn được hiểu là “Ngó” tức là dòm ngó, cho nên ngày nay xe ngựa thường được người ta che mắt ngựa lại để tránh việc nó dòm ngó nơi đó, nơi kia mà chậm trể công việc, về lâu bị biến âm thành “Ngọ”.

8. Ngày thứ tám: Con Dê
Con dê có vẻ đẹp bề ngoài thư thái, sắc sảo, miệng để chòm râu rất ung dung, nhẹ nhàng, luôn tỏ ra là kẻ thích hưởng thụ, chơi bời hơn là chí thú làm ăn. Mặc dù vậy, cuộc sống của con dê chưa gặp phải một khó khăn nào, bởi vì nó biết lợi dụng vẻ bề ngoài bảnh bao của mình mà đi dụ dỗ các con dê cái khác chu cấp, bất kể là già hay trẻ.
Ngày thứ tám, con dê ung dung, chậm rãi, vừa đi vừa vuốt râu vào gặp Bụt Tổ với một bị to đựng thành quả. Nó nhếch miệng cười đưa cả hai hàm răng trắng phếu ra ngoài rồi nói như kiểu nịnh hót “Cụ Bụt vẫn khoẻ chứ, mới có một kỳ hoa nở mà cháu đã thu hoạch được cả bị thế này, chẳng chút gian khổ gì, ai như cái cậu trâu kia cày bừa cho mệt”. Bụt Tổ nhìn rồi hỏi “cái bị kia ngươi lấy từ đâu ra?”, con dê lại nhểnh miệng cười “không ăn cướp, cũng không ăn trộm, chỉ tại số cháu đào hoa, nhiều thê thiếp quá, chúng nó làm ra cả đấy”.
Bụt Tổ phán “không cướp, không trộm thì không chắc đã làm những chuyện khác tốt đẹp, ngươi chỉ biết dùng thân thể bảnh bao của tạo hoá cho để đi dụ dỗ kẻ khác. Đến cái thân mình mà còn không trân quý thì sao biết trân quý những thứ khác. Ngươi đã nghĩ thế thì Ta cho ngươi cả đời chỉ sống dựa vào tấm thân, rất sung sướng nhưng sức khoẻ thì dồn hết vào cái chổ kia để ngươi tận dụng lấy nó”. Dê nghe xong khoái chí “Dạ, dạ, thế cũng được, cháu cảm ơn cụ tổ”.
Bụt Tổ cười “chưa đâu, đừng mừng vội, Ta đặt cho ngươi cái tên là “Buồi”, ám chỉ cái bộ phận khoẻ nhất của ngươi. Ngươi sung sướng mà hưởng thụ, nhưng thế gian thì bè dỉu cả một kiếp vì cái loại sống bằng cách gặm nhấm danh dự bản thân”.
Từ “Buồi” về sau người ta nghe ngượng ngùng, đặc biệt là phụ nữ. Vì vậy, đã có người đọc tránh đi thành “Mùi”, từ đó nhiều người gọi theo thành quen, nhưng nhắc đến dê thì vẫn là nhắc đến “Buồi”.

9. Ngày thứ chín: Con Khỉ
Con khỉ vốn được tạo hóa cho một cái đầu thông minh, chân tay nhanh nhẹn. Thế nhưng, Nó không biết tận dụng những lợi thế mà tạo hóa cho nó để sáng tạo ra cái riêng của mình mà toàn đi bắt chước, học lõm những thứ vu vơ từ những loài khác, cho nên thành quả thì chẳng được bao nhiêu.
Ngày thứ chín, con khỉ nhảy nhót đến than vãn với Bụt Tổ “Tôi vốn rất thông minh và nhanh nhẹn nhưng toàn gặp chuyện xui, nên chẳng mang được cái gì đến cho Ông cả”. Bụt Tổ bảo “Ngươi thông minh, lanh lẹ nhưng ngươi không biết tận dụng lấy nó. Con ngựa chạy nhanh thì đi đây, đi đó, con trâu mạnh khoẻ thì lầm lũi cày bừa, ngươi thông minh thì phải biết sáng tạo. Ngươi ngẫm lại xem, ngươi có sáng tạo được cái gì là đặc trưng của riêng con khỉ hay không, toàn là những thứ học lõm và bắt chước. Thế nên, cả một kiếp sống ngươi chỉ biết than trách trời đất và xui xẻo mà không chịu nhìn lại ưu thế của mình”.
Nói rồi, Bụt Tổ đặt cho Nó một cái tên là “Thán”, hàm ý cả đời con khỉ chỉ biết tự nhận mình thông minh, nhanh nhẹn nhưng không lúc nào là không ca thán vì nó chẳng làm được thành quả gì, toàn để những loài khác vượt qua mặt.
“Thán” tức là than, lâu ngày người ta thêm một số nét chấm phá cho gần gũi thành ra là “Thân”.

10. Ngày thứ mười: Con Gà
Con gà tính cách đơn giản, có sao nói vậy, nghĩ sao làm vậy nhưng chẳng việc nào ra việc nào, toàn những thứ lặt vặt. Việc chưa làm xong đã mong đi ngủ sớm, trời chưa sáng đã thức dậy lo xa, nhưng khi trời sáng thì không làm được việc gì to tát, chỉ đi bới móc những việc vụn vặt. Con gà lại thêm cái tính hay khoe khoang, bươi móc vừa được chút lợi ích nhỏ nhặt đã gáy ầm lên cho kẻ khác đến cướp đi mất, đẻ xong chưa kịp ấp nở đã cục ta, cục tác inh ỏi tỏ vẻ nhà có của rồi hứng chí nhảy đạp bể mất trứng. Cho nên cả đời làm vừa có của thì lại hết ngay nên toàn đi hỏi “đâu hết rồi, đâu hết rồi?”.
Ngày thứ mười, con gà vổ cánh bạch bạch đến gặp Bụt Tổ nhờ chỉ giáo cách làm ra thành quả. Bụt Tổ chỉ ra nhược điểm của nó rồi đặt cho Nó một cái tên là “Đâu”, tức là nó cũng cần mẫn, tích cực từ khi trời còn chưa sáng, nhưng làm không biết tính nên toàn làm mấy chuyện lặt vặt, suốt đời không có của nên hỏi “đâu, đâu?”.
Từ “Đâu” lâu dần bị biến tướng thành ra từ “Dậu”.

11. Ngày thứ mười một: Con Chó
Con chó tính tình trung thực, nó quý kẻ nào là trung thành cho đến chết. Thế nhưng, nhược điểm của nó là ích kỷ, ki bo, tiết kiệm và giữ của, hễ có của là nó sợ mất, cố giữ cho bằng được. Kẻ nào mà lại gần thành quả của nó là nó la hét inh ỏi đến cả làng cùng nghe, nó có của là xài cho bằng hết đến khi không còn xài được nửa, được gọi là “xương”.
Những tưởng đó là các đức tính tốt của con chó, nhưng mà cả đời thì nó vẫn nghèo, mặc dù không phung phí. Ngày thứ mười một, con chó tức quá đến hỏi nguyên nhân với Bụt Tổ. Bụt Tổ nghe xong xoa đầu nó và nói “con rất tốt, nhưng tiết kiệm không phải là cẩm nang để đốt uống trong mọi hoàn cảnh. Nhiều khi con lo giữ của quá, thành ra không có nhiều thời gian để tìm kiếm cơ hội mới tốt hơn. Con gặm cho đến xương thì có ngon lành gì đâu mà mất thời gian, chi bằng bỏ đi để tìm cơ hội mới tốt hơn, lo giữ cục xương mà kẻ khác cướp mất miếng thịt ngon là chuốc thêm cục tức”.
Con chó ngoan ngoãn vẫy đuôi nghe theo lời, Bụt Tổ liền đặt cho nó một cái tên là “Tức”. Ý nói, lo giữ những việc kém cỏi mà để xổng mất những việc to tát thì chuốc thêm bực tức trong người.
“Tức” về sau được một số người gọi là “Tuất” và truyền cho đến hôm nay.

12. Ngày thứ mười hai: Con Heo
Con heo tính cách hiền lành nhưng lười biếng, không thích lao động, chỉ thích nằm một chổ để ăn rồi ngủ. Nó không trộm, cướp của kẻ nào nhưng cứ hay nằm la hét, ăn vạ để kẻ khác bố thí cho nó mà được yên thân.
Ngày thứ mười hai, nó khệ nệ thân hình béo ú vì chỉ có ăn rồi ngủ đến gặp Bụt Tổ với giọng nói như kẻ sắp chết “Tôi toàn được thế gian nuôi, mập đến đi còn không nổi, có làm lụng được gì đâu mà mang đến cho Ông”. Bụt Tổ nghiêm giọng “Mập là do ngươi ăn rồi ngủ, thế gian nuôi ngươi là vì ngươi hay la hét, ăn vạ, còn thế gian thì lại muốn yên thân nên bố thí một ít cho ngươi. Ngươi không có công trạng gì cho thế gian mà đòi nhận lộc của thế gian”.
Thế rồi, Bụt Tổ đặt cho Nó một cái tên là “Hồi” tức là quay lại, trả lại, hồi đáp lại cái lộc của thế gian rồi phán “Ngươi không có công mà đòi ăn lộc của thế gian thì sẽ bị thế gian xà xẻo thân thể không toàn thây sau khi ngươi chết. Trên đời này, không ai cho không ai cái gì cả, cái gì đã đưa đi thì cái đó phải được hồi về”.
Mà đúng thật, heo là con vật có cái chết thê thảm nhất, bị thế gian xà xẻo tấm thân béo ú vì thế gian đã nuôi nấng nên Nó. Từ “Hồi” về sau bị nói lệch đi thành “Hợi”.

13. Những con vật còn lại
Ngày thứ mười hai, con chim đã đến nơi của Bụt Tổ nhưng vì con heo đến trước nên Nó đành đợi và nghe lén câu chuyện của con heo. Sau khi nghe chuyện của con heo xong thì nó sợ hãi, không dám gặp Bụt Tổ nữa mà quay trở lại thế gian để kể câu chuyện con heo cho các con khác cùng nghe. Các con khác nghe xong cũng sợ hãi theo và tìm mọi cách trốn tránh tai mắt của Bụt Tổ. Con voi, con báo thì trốn biệt vào rừng; Con cá, con tôm thì lặng sâu dưới sông, dưới biển; Con giun, con dế thì chui vào lòng đất; Con ếch, con nhái thì trốn ở đầm lầy; Con rùa, con ốc thì chui vào hang đá, ....
Hết ngày thứ mười hai, Bụt Tổ đợi mãi đến qua kỳ mai, đào nở mà vẫn không thấy con nào đến chầu. Bụt Tổ đi tìm hiểu thì ra ngọn ngành đều từ lỗi của con chim. Từ đó, Bụt Tổ phạt con chim cứ bay như thế đã đến mà không thể đến, cứ về như đã về rồi lại bay. Các con vật khác đã trốn ở đâu thì mãi mãi chỉ quanh quẩn ở nơi đó, con rùa, con ốc muốn rụt đầu thì vĩnh viễn rụt đầu.

14. Con Người
Sau khi giải quyết xong số phận của các con vật ở thế gian, Bụt Tổ đã không tin tưởng ở bất kỳ giống loài nào nên đã sai một giống loài khác vốn được Bụt Tổ yêu quý và cho sống bên cạnh mình là con người xuống thế gian để cai quản những loài còn lại. Nhưng muốn cai quản được chúng nó thì phải hiểu tính cách của tất cả chúng nó, từ đó con người đã có sự giao thoa, đan xen cả tốt và xấu về tính cách của tất cả các giống loài.

15. Con Giáp
Để lưu giữ khoảng khắc phân chia tính bậc của các giống loài ở thế gian trong kỳ hoa mai, đào nở. Bụt Tổ cho đặt tên gọi luân phiên của mỗi kỳ hoa mai, đào nở là tên của những con vật mà Ông đã đặt tên. Vì chỉ có 12 con được Ông đặt tên, nên các kỳ hoa nở cũng chỉ luân phiên trong 12 con đó. Thế nhưng, Bụt Tổ nhắc nhở với con người rằng “Trong mười hai con vật ta đã đặt tên, có con tốt, có con xấu, nhưng chí ít là nó đã bộc lộ ra, nó không trốn tránh như con rùa, con cá, ... vì vậy, nó được thế gian nhắc tên mãi. Còn những con khác, đã không dám đối diện với cái tốt hoặc cái xấu của chính mình thì chẳng những không được thế gian nhớ đến, mà còn cả đời sống trong sợ hãi. Con người như ngươi, nếu muốn được thế gian nhớ đến và giải phóng nỗi sợ hãi thì phải mạnh dạn đối diện với những cái tốt và những cái xấu của chính mình”.

Năm mới sắp đến, một năm chẳng mấy suông sẻ và mong cho nó qua thật nhanh. Thời gian rảnh rỗi cuối năm, viết lại sự tích 12 con giáp cho vui, không có dụng ý phản bác các sự tích của dân gian xưa.


Đặng Hoàng Vũ – Chúc mừng năm mới (30/12/2016)
Chưa phân loại
Uncategorized