Tác giả: Hà Nguyên Du
Lời Bạt:
VẦNG THƠ
TRÊN ĐÓA QUỲ VÀNG
"Ta Muốn Thì Thầm Bằng Ngôn Ngữ Riêng"
NGUYỄN ĐỨCTÙNG
Thơ Hà Nguyên Du là thơ về sự rung cảm có thể được chia sẻ bởi người khác, của sự đồng cảm, tức là của tình yêu và thương xót. Trong thời buổi ngày nay, người viết một loại thơ như thế sẽ được nhìn nhận theo hai cách: hoặc những người rất xưa, hoặc những người dũng cảm, tin vào hệ thống giá trị và niềm tin của mình. Tình yêu, sự thương xót không làm thay đổi được quá khứ, nhưng có thể làm thay đổi cái nhìn của chúng ta đối với quá khứ, không làm thay đổi được số phận con người nhưng có thể làm con người hiểu sâu sắc hơn về số phận, và do đó những khổ đau và hệ lụy của đời sống trở nên chịu đựng được.
thời ta gốc nhổ, cây bung
tiếng chim thảng thốt theo cùng cực bay
tim em nhạt bóng xưa gầy
trăng đâu biết ...
tội soi bầy lạc hoan!?
tưởng còn hạt mộng hiên ngang
tay gieo mắt tưới
trên hàng thi ca
9
Thơ Hà Nguyên Du đi giữa tình yêu quê hương xứ sở và tình yêu nam nữ, giữa cõi thơ mộng của hoài niệm và hiện thực khắc nghiệt của đời sống hôm nay, giữa một quá khứ vàng son đã mất và hiện tại đầy bí mật. Anh là người tin tưởng vào nhiều thứ, ít khi tỏ ra nghi ngờ đối với sự vật.
Trong thơ ca, cả tin có thể không phải là một đức tính như trong đời sống. Có lẽ anh cần phải tranh luận nhiều hơn nữa, thách thức nhiều hơn, mang lại nhiều câu hỏi hơn cho người đọc. Có lẽ ngôn ngữ của anh cần phải táo bạo hơn nữa, sắc bén hơn trong một số trường hợp.
Tuy thế, với một quan điểm thẩm mỹ gần cổ điển, một phong cách ngôn ngữ dịu dàng, nhà thơ đã chọn cho mình con đường tâm tình, hoài niệm, bày tỏ, thuyết phục, nhiều hơn là nghi ngờ, tranh cãi, thách thức.
Có một sự đổi dòng hay chuyển hướng khó nhận ra trong một bài thơ, trường hợp những bài thơ thành công của Hà Nguyên Du. Anh làm thơ có vần, thơ tự do, thơ tân hình thức, anh có khả năng vừa làm thơ vừa soạn nhạc và trình diễn, vì vậy thơ anh giàu nhạc điệu, sự hài hòa của các mô thức:
tôi tiếp tục mướt giọng phóng sinh tôi và thanh tân dòng thoát
cái tôi như chiếc phà nguyên đưa người qua sông??
thế nào em cũng vẫn là rừng xanh chờ chim thiên di
tôi chỉnh lệch độ chỉ nam tôi vì em và trái đất còn nhiều từ trường
10
Bài thơ của anh thường bắt đầu một cách lặng lẽ, hiền hòa, mô tả cảnh vật và con người trong một giọng điệu khiêm tốn và mời gọi. Tuy đầy chất thế sự, thơ anh là thơ trữ tình giàu tiếng nói cá nhân, tuy có nhiều tâm sự buồn, nhưng chất giọng chính vẫn là lạc quan, hy vọng, chứ không bi quan yếm thế.
Dẫu lành lặn nhưng vẫn là vết tích
Khơi lên chi bi kịch của riêng mình
Không phải là người hay nói về các vấn đề siêu hình, anh vẫn có những đoạn, những câu tinh tế, lặng lẽ mà sâu xa, đánh thức trong chúng ta giấc mơ ngày cũ, niềm tâm sự đã bỏ phế, gần như thứ thơ phảng phất triết học.
Ai đã sống mỗi ngày không thấy sóng
Ai sinh sôi mà sóng để yên nhàn
Hà Nguyên Du là người lính, đã từng trải qua chiến tranh, lao tù, chia cắt. Chiến tranh không thể không để lại dấu vết trong thơ anh, nhưng đó là những vết thương khó thấy, dù đau đớn. Như nhiều người lính khác, anh không hay nói về mình. Làm thế nào để sống với một quá khứ nhiều máu lệ, làm thế nào để sống qua bi kịch cá nhân, có lẽ là câu hỏi muôn đời của văn chương. Nhân cách hóa đồ vật và cá nhân hóa những kinh nghiệm là những cách mà Hà Nguyên Du đã áp dụng thành công trong thơ mình.
11
còn đam mê ơi! là chiếc tàu ngầm thám hiểm thâm cung
khám phá đại dương
bí ẩn em ...
quên ta đời thủy thủ!!
ơi! thế giới huyền diệu biển ...
em tuyệt mỹ nhân ngư!
kia rừng rong ...kia cao ốc san hô
kia ngọc trai... kia kho tàng khoáng sản
kia muôn loài muôn vóc dáng hay hay
ta muốn thì thầm bằng ngôn ngữ riêng
hỏi về đời sống biển ...
như hỏi mênh mông cõi người ...
Có một sự khác biệt giữa cô độc và sự cô đơn, tâm trạng bị bỏ rơi. Người nghệ sĩ với ý thức xã hội và công nhân không xa lạ với sự cô độc nhưng ít chịu đựng hơn cảm giác cô đơn, lẻ loi. Anh thường xúc động trước những vui buồn của cuộc đời. Về mặt luân lí, đó là người sống vì người khác, và mặt tâm lí, đó là nghệ sĩ dễ xúc động đối với những khổ đau và hạnh phúc của người khác. Điều này có thể áp dụng vào trường hợp của Hà Nguyên Du, một nghệ sĩ.
Tuy nhiên những xúc cảm dành cho tha nhân khác với những xúc cảm cùng với tha nhân. Trong văn học, xúc động vừa là nguyên nhân của sáng tác, vừa là sức ngăn cản sự phát triển một tác phẩm.
mùa màng
tăng dị ứng
vẫn theo cách gây úa của sâu lá
buồn lối dẫn
lo nguồn cơn
yêu em chợt như nhành cây giữa dòng
nên anh phải làm xong điều ước mơ
nhưng cả thảy như về sai bến bờ
Thơ Hà Nguyên Du mời gọi chúng ta tham gia vào những kinh nghiệm cá nhân của thi sĩ, đòi hỏi người đọc trở thành một với nhân vật bài thơ như một điều kiện để thưởng thức tác phẩm.Tôi có ấn tượng rằng đối với những ranh giới phân chia này nọ, như phân chia các quan điểm, các lập trường, vị trí và hoàn cảnh xuất thân,
Hà Nguyên Du là người vô tư nhất, ung dung nhất, bất chấp một quá khứ đã từng cầm súng, đã từng chịu tù đày và áp bức, đi xuyên qua chúng như một người bao giờ cũng lấy chân thiện mỹ và tinh thần dân tộc làm người dẫn đường, không để trở thành kẻ chịu hệ lụy của thành kiến.
Tiếp tục tô vẽ lịch sử tâng bốc bè nhóm mình
Mà gần nửa thế kỷ nay
Làn sóng nhân danh vẫn nhô cao và cuốn hút
Sự gian dối vẫn càng ghê gớm
Hà Nguyên Du là người có ý thức rõ ràng hơn nhiều người tưởng, trong việc gìn giữ những giá trị truyền thống nhưng vẫn không để chúng giam giữ mình. Anh là người có ý thức vượt thoát, làm mới, sẵn sàng tham gia vào các trò chơi ngôn ngữ và nghệ thuật, một cách phóng túng.
Tuy vậy, sự phóng túng của anh nhiều khi chưa đủ, sự phá phách chưa thật triệt để, sự làm mới của anh còn dừng lại ở nội dung hơn là ngôn ngữ, ở ý tưởng hơn là hình ảnh, nên về khuynh hướng này, con đường cách tân, tôi nghĩ, anh sẽ còn đi theo lâu dài. Ví dụ tân hình thức:
khi tôi động đến con chữ lập
tức ý nghĩa trỗi nhạc và nở
hoa trong tôi lập tức cảm khoái
như đêm động phòng hoa chúc... lập
Trong thơ Hà Nguyên Du kể nhiều câu chuyện. Đó là một khuynh hướng thường gặp trong thơ những năm gần đây, tuy nhiên trong một số bài đặc biệt, anh đã thử phá vỡ những quy ước, sắp xếp lại trật tự của lịch sử, tháo mở các tình tiết của câu chuyện, giải cấu trúc các vấn đề chiến tranh và hoà bình, quê hương và lưu vong, như một người đem ra ngắm lại cuốn sổ tay sau ngày mưa bão, phơi chúng dưới ánh sáng mặt trời mới, tìm cách đọc lại những chứng tích của một thời đại, tìm cách vẽ lại chân dung chính tâm hồn mình.
Tôi hình dung thấy Hà Nguyên Du ngồi trên bậc thềm nhà, trong nắng mai. Anh sắp kể cho chúng ta nghe một câu chuyện khác, một ký ức khác, về quê hương và tình yêu, bằng giọng từ tốn, dịu dàng, gần như ngây thơ, về hận thù và tan nát, về yêu thương và trở lại, về sự làm mới đời sống hôm nay bằng cách làm mới quá khứ của chúng ta.
ngày trôi ngày, xót xa dòng thác mệnh
cuốn muôn loài về lại kiếp tiền thân
xương với cốt đã như là kỷ niệm
phút ăn nằm son sử có chia phân ??
cùng nhân cách hay đào hoa, phong độ
có chăng là trong những trái tim ai ?
em có biết lược gương đời ta vỡ ??
cùng chung thân trong từng phút lưu đày..
tình em đó, có như chùm hoa héo ??
cho thiên thu không tiếc nuối thân phàm
chút ghi dấu đâu là nhang với khói ?
Em yêu ơi! còn trái ngọt hoa thơm ??
Hà Nguyên Du vẫn nặng về thơ có vần, dù sau này anh làm nhiều thơ tân hình thức, thì vẫn là một loại thơ có vần kiểu khác; tuy vậy bạn sẽ thấy đó là một thứ vần phi cổ điển, khác lạ so với những người viết trước đây. Có thể cho đó là thơ trữ tình mở rộng. Ngôn ngữ trữ tình có tính thuyết phục, mở rộng các ý nghĩa nhờ khai thác các phương pháp tu từ. Vậy mà thơ anh, trong nhiều trường hợp bỏ qua phép tu từ thông thường, đứng trên đường biên, một bên là sự phép tắc cổ điển và một bên là phá cách hiện đại.
Thí dụ hay gặp nhất và dễ hiểu nhất của phép tu từ trong ngôn ngữ thơ là sự trùng điệp, sự luyến láy, cách sử dụng các mỹ ngữ. Đó là một tình trạng nâng cao của ngôn ngữ. Trong những bài thơ được viết gần đây, Hà Nguyên Du chú ý nhiều hơn đến việc lặp lại, sự cẩn trọng trong việc chọn chữ, có lẽ khuynh hướng tân hình thức,mà người mở đường là nhà thơ Khế Iêm, với sự phát triển ở hải ngoại như Nguyễn Đăng Thường, Vương Ngọc Minh, ở trong nước như Hồ Đăng Thanh Ngọc và những người khác, đã giúp anh phá vỡ dễ dàng các quy ước về câu. Tôi không lấy làm ngạc nhiên khi nhận thấy anh theo đuổi lâu phương pháp tân hình thức, tận dụng sở trường của nó, và vì vậy chính Hà Nguyên Du đã có phần đóng góp đáng kể cho sự phát triển của thể thơ này. Điểm mạnh và cũng là điểm yếu của tân hình thức là sự khách quan hóa,phi cá thể hóa (impersonality). Các tục lệ, các quy ước, các thể thơ, nói cho cùng đều gắn bó với phép tu từ.
Thơ tân hình thức là một loại điển chế, vừa hợp với anh như một người yêu chuộng nhạc điệu trong thơ, vừa không hợp với anh như một người có dụng tâm phá vỡ hết các ước thúc. Không phải ai cũng ngay từ lần đọc đầu tiên nhận ra rằng trong thơ Hà Nguyên Du có sự vui đùa cùng chữ nghĩa, sự vui chơi, sự thích thú, tính chất không mục đích của ngôn ngữ. Chúng ta vẫn thường cho rằng thơ ca phục vụ cho sự thật, trong trật tự ưu tiên như sau: chân, thiện, mỹ. Nhưng thật ra trật tự ấy thường bị đảo lộn, thậm chí cả ba không tồn tại, trong thơ. Đó là một điều khó hiểu và xa lạ với niềm tin của nhiều người.
Soi tôi Soi trong gương đời...
Hỏi tôi có chút Rạng ngời nào không ?
Ngôn ngữ của anh trực tiếp, nhất là khi kêu gọi sự chú ý của chúng ta, kêu gọi sự chia sẻ kí ức. Đúng ra một ngôn ngữ như thế thường cô động, nhưng trong những bài thơ dài, kể cả tân hình thức, anh đã để cho sự dàn trải quyến rũ. Sự nới rộng câu thơ, sự buông lỏng các quy ước văn phạm, sự triển nở (excesses) là nhiều khi đáng ngạc nhiên trong thơ Hà Nguyên Du, nếu ta có dịp so sánh với những nhà thơ đương thời, đặc biệt ở hải ngoại. Ở anh, sự dàn trải ấy thể hiện tính tự do, tính vui chơi, sự làm mới không ngừng, táo bạo một cách lặng lẽ.
Nhụy hồng ngát tỏa xuân qua
Nụ hôn thang máy la đà càn khôn
Cần nói thêm rằng các tư tưởng của nhà thơ được trình bày khá rõ ràng trong nhiều trường hợp. Các quan điểm về xã hội, chính trị, chiến tranh được tìm thấy dễ dàng, đôi khi quá dễ dàng một cách không cần thiết, trong một số bài thơ của anh.
tình như cây nghiêng!!
còn một ít rễ ...
cảm giác mình như quả chín rơi xuống nền mống thế hệ!!
vỡ tung hết chiều kích vóc dáng...
mình đi tìm mình mảnh nát trược vô vọng
tưởng đến vệt sáng các vì sao rơi nhiều bụi thạch nham
cõi hụt hẫng nhưng không có sự phó thác
Vui thú không phải là hạnh phúc. Bạn vui thú khi cuộc đời của bạn có ý nghĩa, công việc của bạn, bài thơ mà bạn đọc có ý nghĩa. Vì vậy những bài thơ mang lại niềm vui thú cho người đọc, nhiều khi vượt ra ngoài ý định của tác giả, nói cho cùng bao giờ cũng có ý nghĩa đối với họ, hoặc rõ ràng, hoặc bí ẩn.
Tôi có may mắn đọc tập thơ Vầng Thơ Trên Đóa Quỳ Vàng cùng với những nhận xét của các nhà thơ Trần Văn Nam, Phan Ni Tấn, Phan Tấn Hải, Trần Việt Hải, những người chắc chắn hiểu biết hơn tôi về thơ Hà Nguyên Du. Tôi biết đến anh từ thời anh còn làm phụ tá cho nhà văn Nguyễn Trung Hối, phụ trách Chủ Đề, khi tôi viết bài cho tờ báo văn học này. Tôi nhớ anh, cùng với chủ bút, thường chịu khó gởi cho tôi nhiều sách báo làm tài liệu để viết, vì biết tôi bận rộn không có thì giờ sưu tầm. Thế mà đến nay mới có dịp nói vài điều về thơ anh. Xin chúc mừng nhà thơ Hà Nguyên Du, tác phẩm mới, với cách viết mới, ý nghĩa mới, cái đẹp mới.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG, Nhà Thơ
(Nhà Biên Khảo, Phê Bình & Nhận Định Văn Học)
Mùa lễ tạ ơn 2017
VẦNG THƠ
TRÊN ĐÓA QUỲ VÀNG
"Ta Muốn Thì Thầm Bằng Ngôn Ngữ Riêng"
NGUYỄN ĐỨCTÙNG
Thơ Hà Nguyên Du là thơ về sự rung cảm có thể được chia sẻ bởi người khác, của sự đồng cảm, tức là của tình yêu và thương xót. Trong thời buổi ngày nay, người viết một loại thơ như thế sẽ được nhìn nhận theo hai cách: hoặc những người rất xưa, hoặc những người dũng cảm, tin vào hệ thống giá trị và niềm tin của mình. Tình yêu, sự thương xót không làm thay đổi được quá khứ, nhưng có thể làm thay đổi cái nhìn của chúng ta đối với quá khứ, không làm thay đổi được số phận con người nhưng có thể làm con người hiểu sâu sắc hơn về số phận, và do đó những khổ đau và hệ lụy của đời sống trở nên chịu đựng được.
thời ta gốc nhổ, cây bung
tiếng chim thảng thốt theo cùng cực bay
tim em nhạt bóng xưa gầy
trăng đâu biết ...
tội soi bầy lạc hoan!?
tưởng còn hạt mộng hiên ngang
tay gieo mắt tưới
trên hàng thi ca
9
Thơ Hà Nguyên Du đi giữa tình yêu quê hương xứ sở và tình yêu nam nữ, giữa cõi thơ mộng của hoài niệm và hiện thực khắc nghiệt của đời sống hôm nay, giữa một quá khứ vàng son đã mất và hiện tại đầy bí mật. Anh là người tin tưởng vào nhiều thứ, ít khi tỏ ra nghi ngờ đối với sự vật.
Trong thơ ca, cả tin có thể không phải là một đức tính như trong đời sống. Có lẽ anh cần phải tranh luận nhiều hơn nữa, thách thức nhiều hơn, mang lại nhiều câu hỏi hơn cho người đọc. Có lẽ ngôn ngữ của anh cần phải táo bạo hơn nữa, sắc bén hơn trong một số trường hợp.
Tuy thế, với một quan điểm thẩm mỹ gần cổ điển, một phong cách ngôn ngữ dịu dàng, nhà thơ đã chọn cho mình con đường tâm tình, hoài niệm, bày tỏ, thuyết phục, nhiều hơn là nghi ngờ, tranh cãi, thách thức.
Có một sự đổi dòng hay chuyển hướng khó nhận ra trong một bài thơ, trường hợp những bài thơ thành công của Hà Nguyên Du. Anh làm thơ có vần, thơ tự do, thơ tân hình thức, anh có khả năng vừa làm thơ vừa soạn nhạc và trình diễn, vì vậy thơ anh giàu nhạc điệu, sự hài hòa của các mô thức:
tôi tiếp tục mướt giọng phóng sinh tôi và thanh tân dòng thoát
cái tôi như chiếc phà nguyên đưa người qua sông??
thế nào em cũng vẫn là rừng xanh chờ chim thiên di
tôi chỉnh lệch độ chỉ nam tôi vì em và trái đất còn nhiều từ trường
10
Bài thơ của anh thường bắt đầu một cách lặng lẽ, hiền hòa, mô tả cảnh vật và con người trong một giọng điệu khiêm tốn và mời gọi. Tuy đầy chất thế sự, thơ anh là thơ trữ tình giàu tiếng nói cá nhân, tuy có nhiều tâm sự buồn, nhưng chất giọng chính vẫn là lạc quan, hy vọng, chứ không bi quan yếm thế.
Dẫu lành lặn nhưng vẫn là vết tích
Khơi lên chi bi kịch của riêng mình
Không phải là người hay nói về các vấn đề siêu hình, anh vẫn có những đoạn, những câu tinh tế, lặng lẽ mà sâu xa, đánh thức trong chúng ta giấc mơ ngày cũ, niềm tâm sự đã bỏ phế, gần như thứ thơ phảng phất triết học.
Ai đã sống mỗi ngày không thấy sóng
Ai sinh sôi mà sóng để yên nhàn
Hà Nguyên Du là người lính, đã từng trải qua chiến tranh, lao tù, chia cắt. Chiến tranh không thể không để lại dấu vết trong thơ anh, nhưng đó là những vết thương khó thấy, dù đau đớn. Như nhiều người lính khác, anh không hay nói về mình. Làm thế nào để sống với một quá khứ nhiều máu lệ, làm thế nào để sống qua bi kịch cá nhân, có lẽ là câu hỏi muôn đời của văn chương. Nhân cách hóa đồ vật và cá nhân hóa những kinh nghiệm là những cách mà Hà Nguyên Du đã áp dụng thành công trong thơ mình.
11
còn đam mê ơi! là chiếc tàu ngầm thám hiểm thâm cung
khám phá đại dương
bí ẩn em ...
quên ta đời thủy thủ!!
ơi! thế giới huyền diệu biển ...
em tuyệt mỹ nhân ngư!
kia rừng rong ...kia cao ốc san hô
kia ngọc trai... kia kho tàng khoáng sản
kia muôn loài muôn vóc dáng hay hay
ta muốn thì thầm bằng ngôn ngữ riêng
hỏi về đời sống biển ...
như hỏi mênh mông cõi người ...
Có một sự khác biệt giữa cô độc và sự cô đơn, tâm trạng bị bỏ rơi. Người nghệ sĩ với ý thức xã hội và công nhân không xa lạ với sự cô độc nhưng ít chịu đựng hơn cảm giác cô đơn, lẻ loi. Anh thường xúc động trước những vui buồn của cuộc đời. Về mặt luân lí, đó là người sống vì người khác, và mặt tâm lí, đó là nghệ sĩ dễ xúc động đối với những khổ đau và hạnh phúc của người khác. Điều này có thể áp dụng vào trường hợp của Hà Nguyên Du, một nghệ sĩ.
Tuy nhiên những xúc cảm dành cho tha nhân khác với những xúc cảm cùng với tha nhân. Trong văn học, xúc động vừa là nguyên nhân của sáng tác, vừa là sức ngăn cản sự phát triển một tác phẩm.
mùa màng
tăng dị ứng
vẫn theo cách gây úa của sâu lá
buồn lối dẫn
lo nguồn cơn
yêu em chợt như nhành cây giữa dòng
nên anh phải làm xong điều ước mơ
nhưng cả thảy như về sai bến bờ
Thơ Hà Nguyên Du mời gọi chúng ta tham gia vào những kinh nghiệm cá nhân của thi sĩ, đòi hỏi người đọc trở thành một với nhân vật bài thơ như một điều kiện để thưởng thức tác phẩm.Tôi có ấn tượng rằng đối với những ranh giới phân chia này nọ, như phân chia các quan điểm, các lập trường, vị trí và hoàn cảnh xuất thân,
Hà Nguyên Du là người vô tư nhất, ung dung nhất, bất chấp một quá khứ đã từng cầm súng, đã từng chịu tù đày và áp bức, đi xuyên qua chúng như một người bao giờ cũng lấy chân thiện mỹ và tinh thần dân tộc làm người dẫn đường, không để trở thành kẻ chịu hệ lụy của thành kiến.
Tiếp tục tô vẽ lịch sử tâng bốc bè nhóm mình
Mà gần nửa thế kỷ nay
Làn sóng nhân danh vẫn nhô cao và cuốn hút
Sự gian dối vẫn càng ghê gớm
Hà Nguyên Du là người có ý thức rõ ràng hơn nhiều người tưởng, trong việc gìn giữ những giá trị truyền thống nhưng vẫn không để chúng giam giữ mình. Anh là người có ý thức vượt thoát, làm mới, sẵn sàng tham gia vào các trò chơi ngôn ngữ và nghệ thuật, một cách phóng túng.
Tuy vậy, sự phóng túng của anh nhiều khi chưa đủ, sự phá phách chưa thật triệt để, sự làm mới của anh còn dừng lại ở nội dung hơn là ngôn ngữ, ở ý tưởng hơn là hình ảnh, nên về khuynh hướng này, con đường cách tân, tôi nghĩ, anh sẽ còn đi theo lâu dài. Ví dụ tân hình thức:
khi tôi động đến con chữ lập
tức ý nghĩa trỗi nhạc và nở
hoa trong tôi lập tức cảm khoái
như đêm động phòng hoa chúc... lập
Trong thơ Hà Nguyên Du kể nhiều câu chuyện. Đó là một khuynh hướng thường gặp trong thơ những năm gần đây, tuy nhiên trong một số bài đặc biệt, anh đã thử phá vỡ những quy ước, sắp xếp lại trật tự của lịch sử, tháo mở các tình tiết của câu chuyện, giải cấu trúc các vấn đề chiến tranh và hoà bình, quê hương và lưu vong, như một người đem ra ngắm lại cuốn sổ tay sau ngày mưa bão, phơi chúng dưới ánh sáng mặt trời mới, tìm cách đọc lại những chứng tích của một thời đại, tìm cách vẽ lại chân dung chính tâm hồn mình.
Tôi hình dung thấy Hà Nguyên Du ngồi trên bậc thềm nhà, trong nắng mai. Anh sắp kể cho chúng ta nghe một câu chuyện khác, một ký ức khác, về quê hương và tình yêu, bằng giọng từ tốn, dịu dàng, gần như ngây thơ, về hận thù và tan nát, về yêu thương và trở lại, về sự làm mới đời sống hôm nay bằng cách làm mới quá khứ của chúng ta.
ngày trôi ngày, xót xa dòng thác mệnh
cuốn muôn loài về lại kiếp tiền thân
xương với cốt đã như là kỷ niệm
phút ăn nằm son sử có chia phân ??
cùng nhân cách hay đào hoa, phong độ
có chăng là trong những trái tim ai ?
em có biết lược gương đời ta vỡ ??
cùng chung thân trong từng phút lưu đày..
tình em đó, có như chùm hoa héo ??
cho thiên thu không tiếc nuối thân phàm
chút ghi dấu đâu là nhang với khói ?
Em yêu ơi! còn trái ngọt hoa thơm ??
Hà Nguyên Du vẫn nặng về thơ có vần, dù sau này anh làm nhiều thơ tân hình thức, thì vẫn là một loại thơ có vần kiểu khác; tuy vậy bạn sẽ thấy đó là một thứ vần phi cổ điển, khác lạ so với những người viết trước đây. Có thể cho đó là thơ trữ tình mở rộng. Ngôn ngữ trữ tình có tính thuyết phục, mở rộng các ý nghĩa nhờ khai thác các phương pháp tu từ. Vậy mà thơ anh, trong nhiều trường hợp bỏ qua phép tu từ thông thường, đứng trên đường biên, một bên là sự phép tắc cổ điển và một bên là phá cách hiện đại.
Thí dụ hay gặp nhất và dễ hiểu nhất của phép tu từ trong ngôn ngữ thơ là sự trùng điệp, sự luyến láy, cách sử dụng các mỹ ngữ. Đó là một tình trạng nâng cao của ngôn ngữ. Trong những bài thơ được viết gần đây, Hà Nguyên Du chú ý nhiều hơn đến việc lặp lại, sự cẩn trọng trong việc chọn chữ, có lẽ khuynh hướng tân hình thức,mà người mở đường là nhà thơ Khế Iêm, với sự phát triển ở hải ngoại như Nguyễn Đăng Thường, Vương Ngọc Minh, ở trong nước như Hồ Đăng Thanh Ngọc và những người khác, đã giúp anh phá vỡ dễ dàng các quy ước về câu. Tôi không lấy làm ngạc nhiên khi nhận thấy anh theo đuổi lâu phương pháp tân hình thức, tận dụng sở trường của nó, và vì vậy chính Hà Nguyên Du đã có phần đóng góp đáng kể cho sự phát triển của thể thơ này. Điểm mạnh và cũng là điểm yếu của tân hình thức là sự khách quan hóa,phi cá thể hóa (impersonality). Các tục lệ, các quy ước, các thể thơ, nói cho cùng đều gắn bó với phép tu từ.
Thơ tân hình thức là một loại điển chế, vừa hợp với anh như một người yêu chuộng nhạc điệu trong thơ, vừa không hợp với anh như một người có dụng tâm phá vỡ hết các ước thúc. Không phải ai cũng ngay từ lần đọc đầu tiên nhận ra rằng trong thơ Hà Nguyên Du có sự vui đùa cùng chữ nghĩa, sự vui chơi, sự thích thú, tính chất không mục đích của ngôn ngữ. Chúng ta vẫn thường cho rằng thơ ca phục vụ cho sự thật, trong trật tự ưu tiên như sau: chân, thiện, mỹ. Nhưng thật ra trật tự ấy thường bị đảo lộn, thậm chí cả ba không tồn tại, trong thơ. Đó là một điều khó hiểu và xa lạ với niềm tin của nhiều người.
Soi tôi Soi trong gương đời...
Hỏi tôi có chút Rạng ngời nào không ?
Ngôn ngữ của anh trực tiếp, nhất là khi kêu gọi sự chú ý của chúng ta, kêu gọi sự chia sẻ kí ức. Đúng ra một ngôn ngữ như thế thường cô động, nhưng trong những bài thơ dài, kể cả tân hình thức, anh đã để cho sự dàn trải quyến rũ. Sự nới rộng câu thơ, sự buông lỏng các quy ước văn phạm, sự triển nở (excesses) là nhiều khi đáng ngạc nhiên trong thơ Hà Nguyên Du, nếu ta có dịp so sánh với những nhà thơ đương thời, đặc biệt ở hải ngoại. Ở anh, sự dàn trải ấy thể hiện tính tự do, tính vui chơi, sự làm mới không ngừng, táo bạo một cách lặng lẽ.
Nhụy hồng ngát tỏa xuân qua
Nụ hôn thang máy la đà càn khôn
Cần nói thêm rằng các tư tưởng của nhà thơ được trình bày khá rõ ràng trong nhiều trường hợp. Các quan điểm về xã hội, chính trị, chiến tranh được tìm thấy dễ dàng, đôi khi quá dễ dàng một cách không cần thiết, trong một số bài thơ của anh.
tình như cây nghiêng!!
còn một ít rễ ...
cảm giác mình như quả chín rơi xuống nền mống thế hệ!!
vỡ tung hết chiều kích vóc dáng...
mình đi tìm mình mảnh nát trược vô vọng
tưởng đến vệt sáng các vì sao rơi nhiều bụi thạch nham
cõi hụt hẫng nhưng không có sự phó thác
Vui thú không phải là hạnh phúc. Bạn vui thú khi cuộc đời của bạn có ý nghĩa, công việc của bạn, bài thơ mà bạn đọc có ý nghĩa. Vì vậy những bài thơ mang lại niềm vui thú cho người đọc, nhiều khi vượt ra ngoài ý định của tác giả, nói cho cùng bao giờ cũng có ý nghĩa đối với họ, hoặc rõ ràng, hoặc bí ẩn.
Tôi có may mắn đọc tập thơ Vầng Thơ Trên Đóa Quỳ Vàng cùng với những nhận xét của các nhà thơ Trần Văn Nam, Phan Ni Tấn, Phan Tấn Hải, Trần Việt Hải, những người chắc chắn hiểu biết hơn tôi về thơ Hà Nguyên Du. Tôi biết đến anh từ thời anh còn làm phụ tá cho nhà văn Nguyễn Trung Hối, phụ trách Chủ Đề, khi tôi viết bài cho tờ báo văn học này. Tôi nhớ anh, cùng với chủ bút, thường chịu khó gởi cho tôi nhiều sách báo làm tài liệu để viết, vì biết tôi bận rộn không có thì giờ sưu tầm. Thế mà đến nay mới có dịp nói vài điều về thơ anh. Xin chúc mừng nhà thơ Hà Nguyên Du, tác phẩm mới, với cách viết mới, ý nghĩa mới, cái đẹp mới.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG, Nhà Thơ
(Nhà Biên Khảo, Phê Bình & Nhận Định Văn Học)
Mùa lễ tạ ơn 2017