Vầng Thơ Trên Đóa Quỳ Vàng - Phan Tấn Hải

Tác giả: Hà Nguyên Du

VẦNG THƠ TRÊN ĐÓA QUỲ VÀNG - PHAN TẤN HẢI

Đó là tập thơ được chờ đợi từ lâu. Tôi biết, anh không thể rời thơ. Quen Hà Nguyên Du từ nhiều năm, có lẽ hơn hai thập niên, gặp trong Tạp Chí Thơ, và rồi cùng trôi nổi với dòng thơ tân hình thức.

Gặp nhau thì ít, vì hoàn cảnh bận rộn mỗi người nơi xứ người, nhưng nghĩ tới nhau thì nhiều. Thỉnh thoảng, mời nhau ra tiệm cà phê, bàn chuyện thơ. Theo tôi nhớ, mỗi lần gặp Hà Nguyên Du, tôi chỉ được nghe nói chuyện thơ. Hẳn là không đề tài nào lớn hơn với anh.

Và cứ như thế, tôi lại kinh ngạc, khi khám phá ra thêm một phương diện nào khác về Hà Nguyên Du. Thí dụ, khi biết rằng anh sáng tác nhạc, và các ca khúc lại rất mực xuất sắc. Hay, khi biết rằng anh giỏi về kỹ thuật trình bày và bảo trì trang web. Làm sao một nhà thơ lại biết nhiều tới như thế?

Có một điều tôi biết chắc rằng, đối với Hà Nguyên Du, thơ là cơm hàng ngày để ăn, là nước hàng buổi để uống, và là khí trời trong từng khoảng khắc anh hít thở.

Có thể vì thơ là nơi để anh an trú ngoài những gian nan đời thường? Có thể. Tôi không biết chính xác. Với tôi, thơ là nơi an trú như thế. Sầu muộn quá, mệt nhọc quá... tôi lại tìm về thơ. Nhưng với Hà Nguyên Du, thơ là mạch máu đời anh.

Do vậy, không ngạc nhiên khi Hà Nguyên Du xuất bản thi tập “Vấng Thơ Trên Đóa Quỳ Vàng” Vâng, tôi đã đọc thơ Hà Nguyên Du hơn hai thập niên. Bây giờ, đọc lại, vẫn có những dòng thơ làm sửng sờ, hệt như lần đầu mới đọc.

Thí dụ, bài “Hoàng Hôn Mưa” là một. Mưa là mưa, hoàng hôn là hoàng hôn, cớ chi Hà Nguyên Du lại thấy giữa cõi mưa chiều một hình ảnh:

ta bà thế giới chỉ
riêng em một cõi sáng

Thế đó, tôi đọc đi và đọc lại. Đó là những dòng thơ tôi không dám viết, vì sợ gây nghiệp, dù đôi khi trong kiếp này, hay trong một kiếp xa xưa, mình đã từng nghĩ tới một cõi sáng riêng em như thế. Với Hà Nguyên Du, em đây là người thực nhưng cũng là thơ, nơi hình ảnh giai nhân hóa thân thành chữ, và nơi các trang giấy khi khép lại, thơ bước vào đời thành em... Hà Nguyên Du là như thế, trong mắt anh, mọi chuyện như nhòa đi, chỉ còn là thơ.

Cứ như thế, hình ảnh giai nhân trong mắt Hà Nguyên Du không chỉ hóa thành thơ, nhưng cũng là một sức mạnh thổi bay đời anh. Chính nơi cõi thơ đó, môi em trở thành dòng sông, và đời anh trở thành chiếc lá mỏng. Trong bài thơ nhan đề “Môi Em Dòng Sông” khởi đi với hình ảnh:

môi em dòng sông cuốn anh lá mỏng...
mắt em cơn trốt hốt anh hạt bụi ...
thuở của những trang thần kinh còn thơm mùi giấy mới...
cuốn hốt anh như điên không còn nhớ bến bờ nào...

Đôi khi, tôi tự hỏi, tại sao mình không thể thơ mộng như Hà Nguyên Du? Phải chăng nghề báo, hàng ngày phải đọc cả trăm bản tin về bạo lực thế giới đã làm cho trang thơ của mình nhạt đi mùi giấy mới? Bến bờ nào nhà thơ họ Hà đã được cuốn trôi?

Có phải bến bờ anh bị cuốn trôi là căn nhà Hà Nguyên Du đang cư ngụ trong thị trấn Little Saigon? Nơi đó tôi đã từng tới thăm. Nhà thơ họ Hà ngồi làm việc trong căn garage, đặt mấy dàn máy điện toán nơi đó, vào mùa hè dĩ nhiên là rất nóng. Và anh làm thơ, viết nhạc từ noi đó, một bến bờ của thơ...

Hà Nguyên Du có ngôn ngữ mới, nhưng vẫn gần gũi với đời thường. Nghĩa là, có khám phá mới, có tìm tòi mới, có suy nghĩ mới... nhưng khi đọc, chúng ta vẫn thấy gần gũi, vì là những chữ và hình ảnh gắn liền với những suy nghĩcủamộtnhàthơxaxứ vàcõithơcũnglàmộtnơiẩn trú để sinh tồn.

Nghĩa là đôi khi đọc thơ Hà Nguyên Du, tôi có khi cảm nhận hệt như đang đọc dòng nước mắt của chính tôi. Bất kể là, khi anh viết trong thể loại rất mới. Thí dụ như bài thơ nhan đề “Dòng Cảm Thơ Đánh Tan Bờ Alphabet”... nơi mỗi mẫu tự là một bài thơ có các dòng khởi đầu bằng mẫu tự đó.
Thí dụ, nơi mẫu tự h, nhà thơ Hà Nguyên Du viết, trích:

h/
hào khí mới
hải đảo tôi hiu quạnh ngàn năm
hồ vọng nguyệt... cạn trồi đá sỏi
hỏi hỏi quanh đời quanh dấu hỏi?
hương ta bao giờ gió thổi xa?
hào khí mới đâu rồi dòng máu cũ?
hâm hở trông chi bước.... hải hà...?

Thơ lạ, thơ mới, thơ bay bổng... nhưng Hà Nguyên Du vẫn rất cận nhân tình, như ghi lại qua dòng thơ tân hình thức trong bài “Mây Xám Mầm Mưa” với hình ảnh người mẹ:

ngợi ca mẹ buôn gánh bán bưng chiều
đổi gạo thương chiếc áo học trò em
nở hoa mồ hôi lại phất phơ theo
những cơn gió thơm nức mùi sơn hào

Thế đó, thơ Hà Nguyên Du có những hình ảnh buồn như thế đó, và hình ảnh đó rất đậm đà quê hương, khi mẹ buôn gánh bán bưng đổi gạo để chiếc áo học trò của em bay trong chiều gió lộng.

Nói rằng Hà Nguyên Du tìm các ngôn ngữ mới là nói chung, nhưng khi anh viết lại thể thơ tám chữ truyền thống của một thời thi ca tiền chiến, chúng ta vẫn đọc ra những khắc khoải hằn sâu trên nếp trán của anh, như trong bài “Cánh Chim Chiều” với những câu:

ngày trôi ngày, xót xa dòng thác mệnh
cuốn muôn loài về lại kiếp tiền thân
xương với cốt đã như là kỷ niệm
phút ăn nằm son sử có chia phân?

Hay, ngay cả khi viết trong thể thơ riêng anh đưa ra, một thể như thơ xuôi rất mới, nhưng là thơ Tân Hình Thức, bài “Nước Mắt Của Dì Bảy” dài tới 25 đoạn, mỗi đoạn 8 câu, mỗi câu 8 chữ, kể về Dì Bảy có hai đúa con trai – đứa anh tên Thông vào bưng (theo VC) khi đang học thi tú tài, chết trận ở Miền Trung, và cô vợ cũng là cán bộ đã ẵm con nhỏ về gửi cho Dì Bảy nuôi trước khi cô đi bặt tin luôn; đứa em kế tên Tâm gia nhập hàng ngũ quân lực VNCH, rồi bị quản giáo bắn chết trong trại cải tạo – và đứa gái út là Thảo. Thế rồi, Thảo dẫn Dì Bảy và con nhỏ của anh Thông vượt biên, và sang Hoa Kỳ. Trong khi em trai của Dì Bảy bị nhà nước giam, vì đòi tự do dân chủ.

Chuyện buồn như thế, nếu viết thành một truyện ngắn, sẽ dễ hơn. Nhưng chính bài thơ Tân Hình Thức 25 đoạn này, mới hiển lộ tài hoa của thi sĩ Hà Nguyên Du, như đoạn thứ 24, tôi đọc và cảm nhận từng chữ trôi như một dòng sông nước mắt của dân tộc:
.
cũng như lần nào nhưng đôi khi cũng có chút khang khác.
Nói có chút khang khác chứ thật ra chỉ là trước sau
thôi, trước sau gì thì dì bảy cũng rươm rướm nước mắt.
Trước sau gì thì dì bảy cũng khóc mỗi khi gặp tôi.

Có những lần tôi nhớ rất rõ, có
những lần dì bảy khóc như chưa từng

Với thói quen đọc của tôi, một người hàng ngày ngồi viết theo các thể văn cho nhật báo và vẫn ưa thích đọc các bản tin mì ăn liền AP, AFP, Reuters... đôi khi khựng lại giữa một số dòng thơ Hà Nguyên Du, nơi anh bắt độc giả suy nghĩ nhiều hơn, và cũng để cảm nhận những cảm xúc thi ca ngấm vào các tầng ý thức.

Thí dụ, Hà Nguyên Du dùng một số chữ cổ, rất ít sử dụng đời thường, trong một câu trong bài “Cành Lá Và Cơn Mơ” và rồi chúng ta phải đọc chậm lại, như một ly cà phê cần uống thật chậm, như sau:

...nghĩ đến đám cỏ đàn hặc dần tàn rụi theo lối nhỏ...

Hay một trường hợp khác, khi họ Hà viết là “Em như ni cô”... khi thi sĩ từ nơi xa xứ kể về một cô bạn thời còn thơ ấu, đang sống lặng lẽ bên kia sông Sài Gòn, chỉ còn niềm vui là khi cùng các hội thiện nguyện nhà chùa đi làm từ thiện. Không tu, nhưng cũng kể như đã là người tu, một người đang chiếm một không gian tưởng nhớ trong cõi thơ của Hà Nguyên Du. Và rồi, chúng ta đọc chậm lại, ngấm từng chữ:

Đường Đỗ Thành Nhân dù đổi tên gì...
Ta vẫn cứ yêu Tên con đường cũ...
Con đường có em Người tôi yêu dấu...

Khép lại, thơ Hà Nguyên Du là một cõi thơ luôn luôn có những mới lạ, nơi đó anh đã làm hình ảnh đời thường thơ mộng hơn và cả đau đớn hơn, với các bến bờ xa hơn, nơi nhà thơ nhìn thấy “ ta bà thế giới chỉ / riêng em một cõi sáng.”

Và anh cũng là một nhà sử học dân gian, khi đưa các đau đớn của Dì Bảy vào những dòng thơ buồn như một vệt máu loang trên trang giấy.

Xin chúc mừng tập thơ mới của Hà Nguyên Du – một đóa quỳ vàng của thi ca

PHAN TẤN HẢI
Chưa phân loại
Uncategorized