Một Vài Ghi Nhận Về Tập Bút Ký Đường Đời Của Vũ Duy Hòa

Tác giả: PHẠM KHANG ...

Tôi luôn ủng hộ việc ghi chép những sự việc đáng nhớ và đối với một nhà thơ thì điều ấy lại càng cần thiết trong việc sáng tác văn học. Văn học phần nhiều bị lôi cuốn, ám ảnh bởi quá khứ. Tựu trung văn học có khởi nguyên từ kỷ niệm cũng là một cách nói không ngoa; nó cho ta cái cảm giác được nhìn lại, đánh giá lại, viết lại các sự kiện đã qua đi trong đời một cách bình tĩnh, khách quan và quan trọng là độ lượng, bao dung hơn với chính mình, với người đời, thậm chí ngay cả với những kẻ vong ân, bội nghĩa. Sau khi xuất bản một loạt ấn phẩm thơ có giá trị, được người đọc quan tâm, mến mộ… Vũ Duy Hòa lại xuất hiện trên văn đàn tập bút ký “Đường đời” với một bộ dạng mới, tinh thần mới, nhiều nhân chứng và sự kiện, nghĩ suy về cuộc đời, nhân thế trong lớp sóng đời thao thức không ngủ của dâu bể thời gian, cát bụi.

“Đường đời” là bút ký nhưng bảo nó là tự truyện, phỏng hồi ký, là ghi chép thì cũng chẳng sai. Những câu chuyện, sự kiện, những con người, những miền đất, những nôn nao sóng lòng đầy cảm động mà nó ôm chứa đủ để ta nhận ra đích thực đó là đường đời của một con người có thật – Vũ Duy Hòa!
Có cả thảy 11 bút ký. Nội dung phong phú kín đặc các con chữ. Không hề có mặt ở đây những chế biến, bịa đặt, lớp lang tán rỗng, lối viết sa vào khoa trương, lộng ngôn vô bổ, nói bóng nói gió cái mà mình không ưa…thiện chân của người viết là tìm đến với sự trung thực của hồi ức, kỷ niệm trên cái “đường đời” kia để ghi nhận và trả ơn quá khứ. Một hành động văn chương có mục đích rõ ràng và như vậy “Đường đời” từ nay đã có số phận của nó như nó vốn được sinh ra để tác giả gửi gắm cái tình tri ngộ sau những tháng ngày bôn ba giữa cuộc đời sôi động của thành công, thử thách và bão tố.

“Đường đời” mở ra bằng câu chuyện kể về cái làng vốn nổi tiếng ở xứ Thanh, làng Hàm Hạ. Ai mà không biết cái làng có ngôi đình nổi tiếng nơi đã chứng kiến sự kiện thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Thanh Hóa. Những hồi ức thật cảm động, xen lẫn tự hào của tác giả: “Miền quê Đông Tiến, Đông Sơn – Hàm Hạ quê tôi đẹp và lãng mạn. Đây không chỉ là nơi gắn bó với cuộc đời tôi, mà còn là địa chỉ văn hóa, in đậm dấu ấn lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Thanh, một làng quê thân thương, thanh bình với truyền thống hào hùng đang ngày một đổi thay.” (Làng ven sông). “Một thời phượng đỏ” ghi lại những câu chuyện cảm động, khó quên về tình thầy trò và bạn bè thời máy bay Mỹ ném bom bắn phá Miền Bắc: “Thời đó (ngày 20-11) không có phong bì để mừng thầy cô nhưng tình cảm thầy trò quấn quýt lắm; thầy cô chính là thần tượng để chúng tôi kính trọng, lễ phép và noi theo”. Vào cái buổi mà người ta rất ít viết thư cho nhau bởi đã có điện thoại di động, điện thoại bàn, rồi internet, facebook…thôi thì đủ thứ mê hoặc, cám dỗ khác…thì lại xuất hiện phong bì tiền mừng “thầy cô”…Ôi quá khứ thanh sạch biết bao! “Bên dòng sông Thương” kể nhiều về cái nghiệp lính, nghiệp nghề đã vô tình như số phận đã hẹn từ kiếp trước của tác giả - nghề Báo vụ viên! Cái núm manip, tiếng tích tà theo làn sóng điện báo hiệu một chặng đường gian lao, hiểm nguy của tác giả. Nhưng có hề chi, sức trai và lý tưởng, niềm tin vào ngày mai của quê hương, đất nước đã nâng bước cho anh đi tới những thành công. “Vời vợi Tản Viên” đẹp lung linh như một khúc tình ca về người lính và tình yêu đầu đời! Tôi cũng cứ bâng khuâng mãi với cô báo vụ viên người Bình Hoa nhí nhảnh, có hai bím tóc xinh xinh có tên là Ngân, huống hồ là người trong cuộc: “Ngân kể về dòng sông thác lũ và cuộc sống trên gác nhà sàn của quê Ngân…Cả đêm tôi không ngủ được, vừa cảm động bâng khuâng vừa nhớ nhà, nhớ gia đình và nhớ Ngân, dù chưa một lần tôi được cầm tay Ngân và cả hai chưa một lần hứa hẹn.” Nhớ nhau, yêu nhau họ đã gặp được nhau qua làn sóng điện. Cuộc gặp này chỉ có tiếng phát tích tà theo nhịp gõ của manip, đủ thấy tình yêu có sức mầu nhiệm, thần thánh đến mức nào.

Ngôn ngữ của tình yêu đôi khi là sự im lặng. Chỉ biết, từ báo vụ viên đến người lính giữ đảo đối với Vũ Duy Hòa chỉ là cái chớp mắt của thời gian, của biến động đời người, thời cuộc, cả những cái không ngờ, nơi hằn sâu và tích tụ những con sóng không vơi của cõi lòng khi mà người ta vẫn luôn nghĩ tốt về nhau dù tình yêu đẹp ấy với Ngân đã không thành. “Xôn xao Trường Sơn” là những lát cắt, gam màu, là sân khấu của bom đạn, gian khổ và sự hy sinh. Vũ Duy Hòa đã khắc họa đêm Trường Sơn trong chiến tranh thật ấn tượng, không thể là nơi khác được: “…Trong màn đêm dày đặc, ánh pháo sáng lập lòe như ma trơi, thỉnh thoảng máy bay địch lại gầm rú điên cuồng, rồi bom nổ ầm ầm rung chuyển núi đồi. Sau trận bom, trong tĩnh lặng của rừng, những âm thanh rì rầm của những đoàn quân cả đi bộ lẫn cơ giới vẫn âm thầm nối đuôi nhau ra mặt trận. Những quầng sáng le lói hắt ra từ các binh trạm, nơi quân y đang lo chạy chữa, chăm sóc thương binh, nơi chị em hậu cần đang chuyển lương thực, vũ khí vào kho…, và líu ríu tiếng tích tà phát ra từ máy thông tin hòa lẫn trong tiếng í ới của thanh niên xung phong đang tranh thủ sửa đường cho những chuyến xe vận tải hối hả chạy ngày chạy đêm; tất cả tạo nên âm thanh đêm Trường Sơn không ngủ. Nhưng gần về sáng, khi không gian lắng xuống, màn đêm phủ đầy trĩu nặng, lại nghe những tiếng thì thầm của vong linh đồng đội đang nằm lại quanh quẩn đâu đây và văng vẳng tiếng chim từ quy tìm bạn từ hai đầu núi nghe thật não nề.” Cũng tại nơi núi rừng Trường Sơn ác liệt này, Hải nhận ra người bạn gái là nữ quân nhân trẻ tên Mười quen Hải từ khi anh còn là một học sinh cấp III ở làng Hàm Hạ. Chao ôi! Quên sao được cái buổi mà chàng trai nghèo nhiều hôm đi học về được Mười cho mấy cái bánh bột (chắc là nàng để giành cho chàng) vì thương Hải đói. Thế rồi họ mến nhau, gặp lại nhau nơi bom đạn đầy trời, nơi cái sống và cái chết giống như một trò đùa mà thượng đế cũng không thể nghĩ ra, là điểm nhấn bi hùng, phong tình làm sáng lên một góc trời Trường Sơn máu lửa, nơi không có chỗ đứng cho sự hèn nhát, phản bội…! Cái bút máy Trường Sơn mà Hải trao kỷ niệm cho Mười đã được Mười lưu giữ suốt đời ngay cả khi mái tóc của cô đã điểm sương, ngay cả khi khuôn mặt bầu bĩnh xinh đẹp ngày xưa giờ đã nhăn nheo, tàn úa theo năm tháng cuộc đời. Cái kết của câu chuyện này cảm động ở chỗ người ta không ngờ tới, nhưng đó là cái kết của nhân tâm trong sáng khi người ta biết quý trọng và nâng niu gìn giữ những thời khắc chỉ có con tim họ mới hiểu hết sự thao thức khôn nguôi của đời người! “Rừng cao su xào xạc” là sự hy sinh tự nguyện vô bờ bến của những người lính thông tin để vượt qua sốt rét, thiếu thốn, gian khổ ở cứ bám dân, bám bản tận cuối đất cùng trời nơi đất bạn làm cầu nối thông tin cho chiến trường ác liệt: “Tôi và anh Miễn chung nhau một chiếc quần dài; ai có việc lên khỏi hầm được mặc quần dài còn người dưới hầm thì mặc quần cộc.” Giải phóng, họ là người chiến thắng nhưng vết thương chiến tranh thì đâu có thể một sớm một chiều mà vơi được; nhiều người, đặc biệt là các cô gái đã không lập được gia đình, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống riêng tư thời hậu chiến!? Vũ Duy Hòa thật không biết vô tình hay cố ý khi anh kết thúc cái phần đường đời quân ngũ của mình bằng bút ký có tên “Bên ghềnh sóng”. Đất nước mình thật đẹp. Thiên nhiên, nhịp sinh học, cái khắc nghiệt của miền cát trắng đã tạo nên một vũ điệu vừa thô bạo, vừa nồng nàn của thiên tạo, chỉ có tình yêu đất nước nơi lòng người lính mới nhận ra được vẻ đẹp của ghềnh sóng: “ Chúng tôi đóng quân trên đỉnh đồi cát trắng; đêm gió hú, cát bay mù trời, ban ngày đóng chặt cửa để ăn cơm mà cứ thấy lạo xạo, rất khó chịu. Khi trời nắng, đi lên đài làm việc rồi đi xuống đại đội ăn cơm, sinh hoạt là cát nóng bỏng rát. Chỉ có đêm trăng, đồi cát thật mộng mơ; ánh trăng bàng bạc trải trên mặt cát thủy tinh mờ ảo; dưới chân đồi những con sóng lăn tăn nối nhau đuổi theo ánh lân tinh long lanh ập vào cầu cảng vỡ òa.”

Bây giờ chúng ta sống trong thời WTO, APEC, ASEAN…, kinh tế thị trường…sự đổi thay có thể nói là chóng mặt. Nhiều lúc ngồi nhớ lại ngày trước lại thấy tủi thân, thấy mình còn sống được đến hôm nay lại càng kinh ngạc hơn. Chúng ta đã đi qua một “Thời tem phiếu” thật đáng nhớ và cũng thật đáng để quên!? Người đọc sẽ thấy hài lòng khi mà Vũ Duy Hòa thật như đếm khi kể lại cái thời ấy diễn ra ngay trong gia đình mình với niềm tin đinh ninh rằng thời ấy là phải như thế…như thế và không thể khác được. Vận nước nổi trôi vốn cũng là chuyện thường tình của thế sự kia mà. Đây là khuôn mặt của “Thời tem phiếu”: “Ở khu tập thể, nhà nào cũng nuôi lợn và lợn là nguồn tích lũy duy nhất của cán bộ lúc bấy giờ…Mỗi khi trái gió trở trời, lo cho lợn còn hơn lo cho người...” Rồi đến chuyện bóc lạc để xuất khẩu đổi lấy ngoại tệ cũng nhiêu khê đủ đường. Đừng tưởng bở là ai cũng được bóc lạc đâu nhé!? Phải là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước mới có cơ hội được bóc lạc. Hạt lạc cũng có số phận của nó; người quen quyền thế thì hạt lạc đỡ khổ, bớt lênh đênh ba chìm bảy nổi, không quen thì cầm chắc phải chịu cảnh long đong, hắt hủi, nhiều khi còn phải bật khóc, oan ức không kể xiết.

Nhà thơ Việt Phương Thư ký riêng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần đã từng viết: “Ta đi yêu người ta yêu nhau/ Người ta cũng là ta có khác đâu!” Yêu nhau mà cũng phải học đấy nhé! Đó là cái chuyện nơi xứ người, có “Đi một ngày đàng” người ta ít ra cũng kiếm được một sàng khôn. Tục ngữ thiêng như thánh thần là thế. Đi sang đất nước Phù Tang tác giả chợt ngộ ra là phải học người ta không chỉ ở cái ăn, cái mặc, cách đi, cách đứng mà còn cả ở cách khen, cách chê nữa. Khen không đúng còn tệ hơn cả chê. Hãy tập sống là người của thời đang sống. Không nên quá ngủ mê về quá khứ. Sự gặp gỡ của các nền văn minh sẽ là không xa lạ với những ai tự mình học hỏi, gạn lọc khơi trong trong cuộc sống.
Tôi nghĩ, ở đời mỗi người ai cũng có một đường đời của riêng mình không thể chung chạ, bán mua được. “Đường đời” của Vũ Duy Hòa cũng không là một ngoại lệ, nó phải là hệ quả của chính nhân thân và cuộc đời tác giả. Có điều chính những câu chuyện mà tác giả kể ra ta cảm thấy không hề nhạt một chút nào khi nó lưu ý chúng ta rằng, cuộc sống và kỷ niệm, sự hy sinh và cái vô ơn nhiều khi lẫn lộn ở trong nhau; hoạn nạn được cứu giúp vô tư nhưng khi người khác lỡ cơ chưa hẳn người được cứu giúp trước kia động lòng…Đó là cái trắc ẩn muôn mặt lạ lùng của “Đường đời”, của bể dâu, kiếp nạn. Bè bạn không nên định danh bằng chức quyền, hơn thua, miếng to, miếng nhỏ, chỉ có sự chân tình, trung thực dành cho nhau thì mới thọ, mới lâu bền: “Tình bạn không là đám cháy/ Rừng rực như tình gái trai/ Nó là ngọn lửa sưởi ấm/ Đời ta những tháng năm dài.” (Trần Lê Văn).

Kết chạ cuối cùng với tập ký là “Nghiệp đời”. Có một sự thôi thúc không thể cầm lòng của Vũ Duy Hòa nơi nội dung bài ký này, tôi nhận ra rất rõ trên những con chữ không vô tình của nó. Nổi lên vẫn một tấm lòng vị tha, công tâm, thương người, biết kìm chế dục vọng, nơi chỉ cần gang tấc thôi là sa ngã, là dối lừa, là đồng lõa với tội ác ở cái nghề kỷ cương, đe búa của luật pháp. Kỷ niệm còn mãi khắc ghi của Vũ Duy Hòa là niềm tự hào khi tỏ ra không biết sợ hãi với cái nghiệp nghề, cái nhân quả của những phút động lòng, những giây nghiêng ngã giữa tồn tại và không tồn tại, giữa hư và thực trong sắc màu trần gian sắc sắc không không…để một ngày trở về thanh thản, an bình với bạn bè, đồng nghiệp, bà con, họ mạc…! Ta phải biết tha thứ, chia sẻ và cảm thông cho những ai khi họ đã từng tặc lưỡi, khoát tay làm ẩu, hay che giấu cho những tội ác không thể dung thứ để làm nên những bi kịch đời người, những máu chảy đầu rơi của chúng sinh. Ta cần một triết lý sống đúng đắn; cho đời, cho người, cho bạn, cho tôi…và cho tất cả!

Vào một ngày nào đó nếu có ai viết “Đường đời” kể lại cho người hậu thế, thì hãy tin rằng tôi rất hãnh diện khi được chọn làm người viết đề tựa cho cuốn sách. Với Vũ Duy Hòa, tôi có lời chúc mừng anh khi cuốn sách được hoàn thành đúng như kỳ vọng và trăn trở lâu nay của anh. Anh có thể tự thưởng cho mình một ly rượu quê thật to, một điếu thuốc ngon và một chuyến về Hàm Hạ, nơi anh đã khóc chào đời, lớn lên, ra đi và trưởng thành như ngày hôm nay. Đường đời, cái mà ta phải đi, cái mà ta phải đến, cái mà thơ sẽ hát ngân lên mỗi ngày, văn sẽ sục sôi, hăm hở, miệt mài đi tìm những chân trời mới, ý tưởng mới để viết nên trang huyết đỏ dâng tặng cho đời.
Chưa phân loại
Uncategorized