Hai Người Thầy!

Tác giả: Đặng Hoàng Vũ

HAI NGƯỜI THẦY!

Có lớp đại học nọ vớ trúng ông thầy tốt nghiệp tiến sĩ ngành gây mê nhưng thiếu kỹ năng hồi sức, hễ ông thầy đó vô lớp là khoảng 20 phút sau thì cả lớp nằm rạp xuống bàn ngủ như đoàn quân thất trận, còn ông thầy thì vẫn thao thao giảng bài, thỉnh thoảng có vài đứa nhướng con mắt lên theo quán tính. Tuy vậy, sách của ông thầy đó viết thì đọc tuyệt hay, lời thầy giảng trên lớp cũng không chỗ nào sai mặc dù có hơi hàn lâm một chút. Nhiều sinh viên hay bật điện thoại ghi âm lời thầy giảng để tối đến mở ra nghe cho dễ ngủ.

Thầy dạy được 5 buổi thì cả lớp ký đơn xin đổi ông thầy khác vì bị ức chế tâm lý, ban ngày ngủ nhiều quá trên lớp ở giờ giảng của thầy nên tối đến là mất ngủ đến sáng, nhiều sinh viên giết thời gian mất ngủ bằng cách chơi game và sáng hôm sau thì con mắt lại đỏ hoe. Ông thầy giáo mới thì trẻ trung, năng động, lại có thực tiễn nên giờ giảng sôi nổi hẳn lên, cả lớp ai cũng thích. Cả giờ giảng của Thầy là đầy rẫy những ví dụ ngoài thực tế mà Thầy đã trải qua, vừa là câu chuyện, vừa là hình ảnh rất lôi cuống. Nhưng ngặt nổi Thầy giảng xong bài mà sinh viên vẫn tưởng là bài giảng chưa xong, ngoài nhớ những ví dụ của Thầy thì không hiểu được nội dung gì của bài học cả.

Mỗi khi đến kỳ thi là đứa nào cũng cặm cuội đọc ngây người ra các quyển sách của lão thầy gây mê mà chúng nó ký đơn xin đổi để có điểm cao. Cái đống ví dụ của ông thầy giáo NGOÀI chỉ cần chọn lọc vài ba thứ để phụ họa thêm là đủ rồi, số ví dụ còn lại bỏ hết. Thế rồi, tân sinh viên vào nhập học vòng tay bái các đàn anh, đàn chị chỉ điểm coi nên chọn thầy nào ngay từ đầu đăng ký. Chúng nó lại đặt hai ông thầy lên bàn cân rồi bảo: Đăng ký học ông thầy NGOÀI rồi khi thi lại đọc sách của ông thầy TRONG cho có điểm cao, đó là bí quyết, kinh nghiệm từ bao nhiêu khóa sinh viên để lại.

Đúng là ngược ngạo, ngược cả cách học lẫn ngược cả cách dạy. Nhiều trường hiện nay cũng đang băn khoăn giữa lựa chọn ông thầy nào trong số đó để CÂU KHÁCH. Con đường biện chứng của quá trình nhận thức từ TRỰC QUAN SINH ĐỘNG (cảm tính) đến TƯ DUY TRỪU TƯỢNG (lý tính) để đến với THỰC TIỄN (áp dụng), vậy mà dạy học lại cân đong đo đếm để chọn lựa TRƯỜNG PHÁI CẢM TÍNH hay TRƯỜNG PHÁI LÝ TÍNH.

Cái ông thầy NGOÀI ỷ lại vào vài ba kinh nghiệm ngoài cuộc sống vào lớp múa còn hơn múa gươm, các ví dụ đưa ra dù có hàng tỷ ví dụ thì cũng chỉ là TRỰC QUAN SINH ĐỘNG, rời rạc không giải quyết được gì nếu nó không được tổng kết thành LÝ TÍNH. Mà kinh nghiệm thì rất cục bộ địa phương, cái thực tiễn ở Đồng Tháp của Thầy nó không đại diện cho thực tiễn ở Hà Giang, Yên Bái. Cái kinh nghiệm năm 2018 của Thầy nó không đại diện cho sự vụ cách đây 20 năm hoặc tương lai năm 2048. Nếu Thầy sống được 80 năm thì kinh nghiệm tối đa của Thầy là 60 năm kinh nghiệm, nhỏ như hạt bụi so với biển trời lịch sử kinh nghiệm của nhân loại. Có thể dùng cảm tính để làm việc nhưng không thể dùng cảm tính để chuyển giao tri thức, ví dụ nhiều chưa chắc đã là nền tảng của giáo dục tốt nếu các ví dụ chỉ mãi dừng ở các ví dụ mà không nâng có lên thành LÝ TÍNH.

Ngược lại ông thầy TRONG ỷ lại vào giáo trình, câu chữ để múa chữ lấp vô khiếm khuyết ít kinh nghiệm thực tiễn của mình, mà đốt cháy giai đoạn. Không có TRỰC QUAN SINH ĐỘNG mà Thầy MÚA LÝ TÍNH thì sinh viên nó hiểu kiểu gì cho được, đứa nào không ngủ gục đã là đứa có tâm. Nó học lý tính thông ra các nguyên tắc, các đặc trưng, các quy luật, nhưng toàn là LÝ TÍNH CHAY, không có nỗi một ví dụ sinh động thì HIỂU MỚI LÀ LẠ. Lý tính khi đưa ra thực tiễn để áp dụng thì là giáo điều, còn nếu áp dụng thực tiễn bằng cảm tính thì khớp được trường hợp nào hay trường hợp đó, không có tổng kết và kế thừa, bây giờ nó chưa sai, vài chục năm nữa nó SAI HỆ THỐNG thì đừng có trách tác hại của cảm tính.

Con lạy dùm mấy ông, giáo dục là cái gốc của nguồn nhân lực, làm ơn tuân thủ dùm quy luật của chuyển giao nhận thức. Mấy ông làm bên ngoài rồi bon chen học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm vài ba tháng, nhảy vô cổng trường đại học giảng dạy coi chừng rơi vào bẫy CẢM TÍNH. Ngược lại, mấy ông ra trường được giữ lại giảng dạy đôi ba chục năm cũng coi chừng rơi vào bẫy LÝ TÍNH. Hai cái đó mà tách rời ra thì đừng hy vọng sản phẩm đào tạo của mình, tức nguồn nhân lực vận dụng được vào thực tiễn một cách thiên biến vạn hóa, mượt mà, tự tin, thắng lợi.

Bao nhiêu ví dụ không quan trọng, quan trọng là từng ví dụ phải đi đến được LÝ TÍNH, tức quy luật, đặc điểm, dấu hiệu, nguyên tắc. Bao nhiêu lý tính cũng không quan trọng, quan trọng là lý tính đó bắt nguồn từ cơ sở của TRỰC QUAN SINH ĐỘNG nào, tức quy luật đó, nguyên tắc đó được nhận biết bằng ví dụ nào.

Hai ông thầy, ÔNG THẦY TRONG, ÔNG THẦY NGOÀI đều quan trọng như nhau, ông thầy đích thực chính là ông thầy chuyển giao được trọn vẹn quá trình nhận thức: TRỰC QUAN SINH ĐỘNG đến TƯ DUY TRỪU TƯỢNG để vận dụng vào THỰC TIỄN.

Đặng Hoàng Vũ (18/9/2018)
--- TỰ VẤN MÌNH ---
Chưa phân loại
Uncategorized