Bình Luận Tây Du Ký

Tác giả: Đặng Hoàng Vũ

BÌNH LUẬN TÂY DU KÝ

Trước đây có bình luận đôi dòng về CHUYỆN TAM QUỐC, có hứa hẹn là khi rảnh rỗi sẽ bàn vui chuyện TÂY DU KÝ. Giờ rảnh được ít thời gian, luận vài ý để xả stress, khi có nhiều thời gian sẽ luận thêm.

1) TÔN NGỘ KHÔNG VÀ CHUYỆN DÙNG NGƯỜI TÀI
Xã hội hiện nay đang bàn chuyện dùng người tài, nhưng người như thế nào mới được gọi là tài thì chưa được rõ lắm. Thôi cứ tạm coi như có bản lĩnh như TÔN NGỘ KHÔNG được gọi là người tài, tức là đã tốt nghiệp ở một trường học danh tiếng với kiến thức và kỹ năng khỏi phải bàn cãi, nhưng người tài thì chưa chắc là người gồm cả đức lẫn tài.

Người tài mà dùng vào công việc dưới khả năng của họ thì họ sẽ bỏ việc như Tôn Ngộ Không bỏ nghề chăn ngựa để tự ra lập công ty riêng. Ngược lại, người tài chưa được rèn dũa về đạo đức mà bổ nhiệm chức vụ quản lý thì khó tránh khỏi chuyện họ bòn rút của công, tham nhũng như Tôn Ngộ Không ăn trộm cả vườn đào, từ đó mà mất luôn người tài. Cái chuyện giữ được mình trong lợi ích thì không phụ thuộc vào tài năng mà phụ thuộc vào đạo đức, có đức vô tài thì lãng phí, có tài vô đức thì tham nhũng, có được cả hai thì làm lãnh đạo cấp cao cả rồi, ví như Quan âm bồ tát và Phật tổ như lai.

Người vừa có đức, vừa có tài rất hiếm, khó lòng đám ứng được nhu cầu của nguồn nhân lực. Vì vậy, muốn sử dụng được người tài thì phải thỏa hai chuyện: Một là có quan hệ ân nghĩa với họ để họ tận lực trả ơn và hai là đeo trên đầu họ cái vòng kim cô để họ không dám loạn. Đường tăng vì có cả hai thứ đó nên mới sử dụng được Tôn Ngộ Không.

2) BỐN KIỂU CÁ TÍNH XẾP THEO THỨ BẬC
Bốn thầy trò đường tăng đi thỉnh kinh với 4 kiểu cá tính và thứ bậc khác nhau (con ngựa tạm bỏ qua), trong đó có 2 cần cù và 2 lười biếng, 2 thông minh và 2 dốt nát.

- Đường tăng có cá tính thông minh nhưng lười biếng (không đi bộ mà cưỡi ngựa) nên được xếp đầu tiên, làm lãnh đạo. Người thông minh nhưng lười biếng sẽ có nhiều thời gian suy ngẫm về mục tiêu và trung thành với mục tiêu, ít làm việc nên cũng ít sai sót nên uy tín được tăng cao trong đội ngũ nhân viên.

- Tôn Ngộ Không vừa cần cù, vừa thông minh nên xếp thứ hai, làm nhân viên chủ chốt, thiếu anh ta là hỏng việc nhưng không phải là lãnh đạo. Người thông minh nhưng cần cù thường bị đố kỵ, tính tình nóng nảy, khối lượng xử lý công việc nhiều nên hay quên suy ngẫm về mục tiêu, làm nhiều nên cũng sai nhiều.

- Trư Bát Giới lười nhác lẫn ngu dốt xếp thứ ba, làm nhân viên diễn trò, gây cười, có thì vui mà không có thì cũng chẳng ảnh hưởng gì. Lười nhác thường làm người ta bực mình, nhưng do ngu dốt nên người ta cũng thường cảm thông mà bỏ qua mang tính xuề xòa.

- Sa Tăng vừa chăm chỉ lại vừa ngu dốt (thiếu chính kiến, hay trốn tránh các xung đột) xếp thứ tư, có thì làm mấy chuyện lặt vặt mà không có thì san sẻ công việc cho người khác cũng xong chuyện. Người vừa chăm chỉ lại vừa ngu dốt về lý thì nên đuổi việc sớm, loại đó nếu làm lãnh đạo thì thường vẽ ra các quy trình cho nhân viên làm nhưng chẳng thấy hiệu quả đâu toàn mấy chuyện sự vụ, lòng vòng. Còn loại đó mà làm nhân viên thì bảo thủ, nguyên tắc, cản trở ý tưởng của người khác làm lỡ thời cơ. Tất nhiên, Sa Tăng chưa đến mức như thế, nhưng dù sao thì cá tính đó cũng chỉ được xếp thứ tư.

Nếu ai lỡ có tính lười nhác thì đã thành công 50% để làm lãnh đạo, còn nếu ai có tính chăm chỉ thì cũng có 50% để mang về thất bại … Số phận do 50% còn lại quyết định.

3) LÃNH ĐẠO LÀ CHUYỆN CỦA CẤP TRÊN QUYẾT ĐỊNH CHỨ KHÔNG DO TRANH GIÀNH
Nhiều người muốn đi thỉnh được chân kinh như Đường Tăng, người tốt có, người xấu có, thảo khấu có, yêu ma cũng có, nhưng ai là người thỉnh được chân kinh thì không do họ quyết định mà do cấp trên quyết định. Quan âm bồ tát chọn lựa và gửi gắm trọng trách này cho Đường Tăng thì chỉ có Đường Tăng là thỉnh được chân kinh.

Làm lãnh đạo không cần tài giỏi, chỉ cần được cấp trên chọn lựa và che chở là đạt thành chính hỏa. Quan âm bồ tát đã chọn Đường Tăng nên cũng bổ nhiệm cho Đường Tăng có nhiều lính giỏi để quán xuyến công việc và giúp đỡ khi có bất trắc, hoạn nạn. Tranh giành để làm lãnh đạo vừa phải đối đầu với cái đám lính ô hợp, quán xuyến tất cả công việc và không ai giúp khi gặp khó khăn … Muôn trùng rủi ro nên thiếu suy ngẫm về mục tiêu, còn nếu có trung thành với mục tiêu thì cũng có quá nhiều cảm bẫy trên đường đi lấy chân kinh mà mình phải đơn độc giải quyết.

4. YÊU MA VÀ NHỮNG LỰC CẢN TRONG SỰ NGHIỆP
Trên đường đi thỉnh kinh, thầy trò Đường Tăng gặp vô số yêu mà và quỷ quái, mỗi một loại là một trở ngại cản bước đưởng thỉnh được chân kinh của họ. Yêu ma hay quỷ quái thì hoặc là muốn ăn thịt Đường tăng hoặc là muốn kết hôn để sống chung cả đời với Đường Tăng. Thực ra yêu ma, quỷ quái là những lực cản ngầm của con người trong sự nghiệp của họ. Ví dụ:
- Con gấu lấy chiếc áo cà sa đại diện cho tính khoe khoang và đố kỵ của con người;
- Hồng Hài Nhi là sự minh chứng cho tính khí nóng nảy thường hay xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi;
- Động Bàn Tơ của 7 yêu nhền nhện là những ràng buộc của cuộc sống gia đình (5 thê, 7 thiếp);
- Con bò cạp trong Nữ nhi quốc là sự cảnh tỉnh về chốn phồn hoa mà quên đi mục tiêu cần đến;
- Con chuột tinh (con nuôi Lý Tịnh) là nhắc nhở về sự từ bi, giúp đỡ người khác không đúng chổ;
Mỗi loại yêu quái là một đại diện của cuộc sống thực tại mà đó chính là những trở ngại ngầm để ngăn lối sự nghiệp của mỗi người.

Còn nhiều nữa, không tiện viết dài, dịp khác sẽ bình luận thêm.

Đặng Hoàng Vũ (15/11/2017)
Chưa phân loại
Uncategorized