Bàn Về Chữ “nước”

Tác giả: Đặng Hoàng Vũ

BÀN VỀ CHỮ “NƯỚC”

“Nước” theo ngôn ngữ tiếng Việt có nhiều nghĩa, vừa là “nước uống” nhưng lại vừa là “tổ quốc”. Nếu bàn về nghĩa “nước uống, nước sinh hoạt” thì phải nói về góc độ tài nguyên, nhưng có lẽ để nó lại bàn trong một bài khác. Xin mạn phép được bàn chữ “nước” trong nghĩa là “tổ quốc”.

Trên thế giới này chắc có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất gọi “tổ quốc” là “nước” mà không phải là đất, đá, lúa, gạo, … hay một thuật ngữ đồng âm nào khác, chỉ có thể là “nước”. Trong tiếng Anh thì “nước” là “water” nhưng “tổ quốc” là “nation”, ngay cả trong tiếng Trung Quốc thì hai thuật ngữ này cũng không đồng âm với nhau, “nước” là “shui” (水) còn “tổ quốc” là “guo” (国). Đây là một cái hay độc đáo của người Việt xưa trong việc so sánh “nước” với “tổ quốc”.

Những ai từng làm nông nghiệp hay từng sửa ống nước thì mới hiểu đụng đến nước là vô cùng khó khăn, đòi hỏi độ cẩn thận rất cao. Chỉ cần một cái lỗ mọi nhỏ như đầu mũi kim là nước có thể chảy sạch không còn một giọt trong bồn. Cho nên nhìn nước đơn giản như vậy nhưng sửa nước nhọc nhằn hơn sửa điện. “Phép nước”, “trị nước” cũng như thế, chỉ cần một lỗi nhỏ mà không vá lấp kịp thời cũng có khả năng dẫn đến “mất nước”. Có lẽ vì vậy mà người Việt xưa đã đồng âm “nước” và “tổ quốc” lại với nhau để luôn nhắc nhở “việc nước” cũng giống như “việc của nước”. Còn các quốc gia khác họ không lấy hình tượng của nước là vì cái bồn của họ nó to, áp lực bên ngoài nó mạnh (tính phản biện, giám sát của xã hội, …) cho nên vài ba lỗ mọi có chảy thì cũng không thắng được áp lực bên ngoài, mà bồn to thì có chảy cũng khó mà cạn, thậm chí lâu ngày họ còn phải xả đập để hoán đổi nguồn nước. Ngược lại, nguồn lực của nước Việt rất khiêm tốn, giống như một bồn nước nhỏ mà chỉ cần dăm ba lỗ mọi là có thể chảy cạn bồn, nên thường xuyên kiểm tra để quản lý nước là một tất yếu.

Bồn to hay bồn nhỏ thực ra không quan trọng, quan trọng là lúc nào cũng có nước sạch để đủ dùng. Nước sạch đó là dân phải trí, thương phải phú, quan phải liêm, thầy phải hiền, con phải hiếu, phụ phải gương, tướng phải tài, lính phải trung, bạn phải tín, … v/v. Mà cái bồn đó, chỉ cần một vài lỗ mọi như thương bị bần, quan bị tham, tướng bị bạo, lính bị hèn, dân bị dốt … v/v, mặc dù số lượng không nhiều, nhưng theo thời gian nếu không vá lấp kịp là nó chảy cạn không còn một giọt trong bồn. Nếu đó là nước uống thì giọt đó là giọt nước, còn nếu là tổ quốc thì giọt đó chính là “giọt niềm tin”.

Đã đến lúc cần phải hiểu lại cách hiểu như người xưa, “tổ quốc chính là nước”. Muốn duy trì sự sống còn thì phải giữ gìn và quản lý hiệu quả nước, mà ở đó tất cả các mục tiêu, quan điểm cuộc sống phải bắt đầu từ nước và trở về với nước. Anh thương nhân giàu có nhưng không rót được giọt nước nào vào trong bồn thì cũng vứt, anh trí thức có giỏi giang nhưng trốn chạy ra nước ngoài để làm giàu cho bồn nước của kẻ khác cũng vứt, anh cán bộ có chức cao đến mấy nhưng làm hỏng bồn nước thì cũng vứt, … v/v. Bồn nước đã nhỏ thì cần phải có ý thức tiết kiệm, quản lý hiệu quả và siêng năng trong việc tìm nguồn nước mới (bồi dưỡng, đào tạo thế hệ kế cận). Bồn thì đã nhỏ mà lỗ mọi càng lúc càng to thì bồn từ vơi đến cạn chỉ còn là vấn đề thời gian.

Từ nước phải được trở về với nước, nước mà mất thì nhà cũng tan. Dù anh có hàng trăm căn nhà biệt thự nhưng nước bất ổn thì cái lỗ chó cũng chẳng có để mà ngủ. Dù anh có tài giỏi mà nước không còn thì anh cũng lang thang như người Do Thái cổ. Và cũng cần nhớ rằng, đến thời điểm này cũng chưa có ai giàu mà nổi tiếng như công tử Bạc Liêu và con cháu họ bây giờ đang ở đâu? Đó cũng chính là lý do mà Bạch Thái Bưởi lăn xả vào thương trường giúp nước, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thái Bình, … quay trở về tổ quốc và cả bác sĩ Mai Văn Thông (cha ruột doanh nhân Mai Kiều Liên) trở về giúp nước.

Nước – Mấu chốt của mọi vấn đề!

Đặng Hoàng Vũ (03/10/2017)
Chưa phân loại
Uncategorized