Phước Và Ước Nguyện: Vài Lời Trao Đi Xin anumodana (Happy Vesak Day Pl 2562 - 2018 Dl)

Tác giả: KCDN空境灯如 & Thiện Đăng Hưng Thuận Tự

Phước chính là bố thí, buông bỏ tâm Tham

Phước là thanh tịnh tâm hồi hướng

Phước là giữ gìn giới luật theo trí tuệ

Phước là hành thiền tu Chỉ - Quán

Phước là cung kính, phục vụ bậc xứng đáng

Phước là tuỳ hỉ, tâm nghe pháp thuyết

Phước là trách nhiệm, thuyết pháp diệu mầu

Phước là chánh kiến, không tà kiến si mê

Phước là tu tập yểm ly hướng Níp bàn.



Bản thân tôi luôn khao khát sống đời sống xuất gia đúng nơi có tu tập đúng theo BuddhaSasana nhưng có thể do chưa đủ Duyên [...] tôi chưa thể thực hiện được ý nguyện này nên nơi tôi tu tập hiện tại không hội đủ pháp học và pháp hành một cách nghiêm túc, có thể nhiều vị giống như tôi. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc chính bản thân chúng ta có thật sự quyết định nghiêm túc và hứng thú với việc nổ lực học tập và thực tập giáo pháp hay không? Bởi vì Buddha vẫn có những giáo huấn dành cho người tại gia chứ không riêng gì bậc xuất gia. Cùng là con người, có đầy đủ thân tâm tánh biết thì đều có thể thực hành lời Buddha không phân biệt giới tính, tuổi tác, giai cấp, tôn giáo, quốc gia, dân tộc hay bất cứ điều gì cả, chỉ cần chúng ta có tín tâm chân chánh làm nền móng vững chắc cho sự thực hành mà thôi!



Tôi được học qua vài lời dạy của Ngài Ajahn Chah một vị Thiền sư đáng kính người Thailand, có những lời dạy Ajahn có ý nói rằng: "...Cuốn sách đáng đọc nhất chính là tâm mình... và Rừng thiền tốt nhất cũng là tâm mình.... Đạo Phật là đạo của tâm, ai không tu tập tâm thì đó không phải là đạo Phật...".

Đạo Phật là con đường của bậc tỉnh thức. Chúng ta tỉnh thức dần dần khỏi những mê lầm luyến ái thì chúng ta đang âm thầm đi theo Đạo Phật chứ không cần bất cứ ai hay tổ chức nào phải công nhận. Bám chấp tất cả những lời dạy trong kinh điển sẽ là rỗng tếch nếu chúng ta không tự mình quán chiếu thân tâm, sẽ là ngu xuẩn nếu chúng ta cầu nguyện bâng khuâng, sẽ là kho trữ lưu động nếu chúng ta chỉ có học thức suông.



Và tôi nhớ bài kệ trong sấm giảng của Thầy Thanh Sĩ rằng:

"Hỡi quê nhà gần xa lớn nhỏ,

Kẻ trời đông còn nhớ hay chăng?

Xin đừng đội lớp nhà tăng

Lừa gạt người mến Phật lấy làm lợi tư". Tình trạng xuất gia với ý đồ phàm tục rất nhiều.

Nếu chúng ta chỉ xuất gia với bộ y, cái bát và cái đầu cạo trọc mà không tu tập quán chiếu thân tâm, làm những việc không xứng đáng với phạm hạnh bậc xuất gia thì tốt nhất chúng ta chỉ nên làm một người cư sĩ sống viên mãn kiếp sống nương tựa Phật Pháp Tăng và thọ trì ngũ giới cùng những ngày thọ Bát quan trai như vậy là tốt hơn.



Là người Cư sĩ Đạo Phật thì hãy ước nguyện thực hành Phước thiện với tâm buông bỏ, không có sự ước muốn, không có tâm ô nhiễm tham lam - sân hận - si mê; không nên quá mong cầu Quả của phước, khi làm với tâm mong cầu Quả của phước thì hành động đó chẳng phải là Phước nữa. Dù biết nói dễ làm khó nhưng nếu dễ thì tất cả chúng ta đâu có khổ từ cổ chí kim, có khó mới có sự tu luyện.

Đừng tin sự cứu rỗi hay tiếp dẫn, đó là đều hoang đường trái nhân duyên quả.



Hãy tu tập giữ tâm sáng suốt - định tỉnh - trong lành trước - đang và sau khi làm Phước, đó chính là trí tuệ - giải thoát.

Sáng suốt là biết rõ điều mình đang làm, hợp với lẽ đạo, thiện lành. Định tỉnh là khi làm chúng ta không phóng tâm lơ đãng, hướng tâm đúng đắn. Trong lành chúng ta làm với tâm không ô nhiễm bởi tham cầu, sân si thúc dục chi phối.



Tất cả các pháp lấy giải thoát Níp bàn làm cứu cánh, lấy dục mà làm căn bản quán chiếu yểm ly.



Còn trẻ còn sức lực còn sự minh mẫn thì cố mà phát tâm tu dưỡng thiện tâm, nương theo tấm gương Tam Bảo mà tuỳ duyên thực tập. Chứ để đến khi thân thể già nua mang đầy bệnh tật, lục căn hư hoại tâm trí mê mờ thì khó mà tu tập. Lúc đó chỉ có phát sanh tà kiến vái lạy tứ phương xin Chúa Phật gia hộ. Mê tín là con đường tắt dẫn đến cực khổ chứ chẳng phải cực lạc. Tôi năm mới hai mươi mốt tuổi nhưng do nghiệp quá khứ nên bệnh đau ốm yếu từ nhỏ. Đến năm hai mươi tuổi thì tôi mới thật sự biết đến chân lý Tứ thánh đế do Buddha giác ngộ chỉ bày. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của đời tôi! Vì khi thân bệnh và tâm bệnh nếu biết đến Tứ niệm xứ đó là một cơ hội quý báu để tu tập.



"Hỡi Quê Nhà gần xa lớn nhỏ!

Kẻ Trời đông còn nhớ hay chăng?

Hãy mau uốn lúc còn măng,

Nên tre rồi khó thể làm cho ngay". - Thầy Thanh Sĩ. Xin nhớ nha quý vị.



Bản thân tôi thì từ khi nghỉ học đến giờ thì ở chùa nhiều hơn ở nhà, nói ra thấy nhục nhã chứ không phải khoe khoang chi. Tuy ở chùa nhưng không được dạy giáo lý nguyên thủy không biết đến khái niệm Bát chánh đạo là gì!. Tôi tự tiết trách thương bản thân, tôi chưa đủ tâm lực để trọn đời thực hiện phạm hạnh sa môn cao quý. Nghỉ học với ý định vào chốn thiền môn nhưng giờ mới biết vào thì dễ nhưng ở thì khó... Bây giờ bản thân cảm thấy hơi lo lắng về bản thân rất nhiều vì không nghề, không bằng cấp, sức khỏe thì yếu hay ốm đau liên tục do bệnh tật. Nhưng vẫn cố mà chánh niệm ghi nhận và nghĩ về những điều tốt lành mà mình có. Đó là niềm tin vào Tam Bảo,cố bám chiếc bè mà sang sông mê.



Khi so sánh tôi với một Việt kiều giàu có gần bên nhà thì tôi cảm thấy bản thân tôi hạnh phúc hạnh diện hơn. Vì vật chất tiền bạc của họ giàu hơn tôi, về vật chất tôi không có gì đáng giá ngoài tấm thân năm uẩn mấy căn này cả. Nhưng về tinh thần trình độ tâm linh thì tôi thấy người Việt kiều giàu có đó họ rất nghèo và tội lỗi vì bất hiếu, bất nghĩa, tham lam, sân hận và không có đức tin chân chánh nơi Tam Bảo. Kiếp này họ giàu có thể do kiếp trước có phước đức nên sanh vào gia đình đủ điều kiện vật chất. Nhưng đó chỉ là dạng "ăn cơm nguội" mà thôi! Không chịu "nấu cơm mới" (phước thiện) thì kiếp sau nguy cơ đọa đày khổ cực là rất cao. Tôi nói ra không nói ý nghĩ rằng họ xấu xa, không phải vậy! Chỉ có cái xấu, tâm sở bất thiện chứ không có ai trong đó cả.



Biết rằng có đầy đủ tiền bạc, danh tiếng, sắc đẹp, sức khỏe... giúp chúng ta không rơi vào cảnh khổ thân nhưng chúng chỉ là quả của phước hữu lậu do duyên mà có và có rồi sẽ mất. Chúng ta làm Phước (tu tập) không phải mong cầu hưởng phước báo nhân thiên - phước hữu lậu vì đó là mong ước lưu chuyển luân hồi, mà là chúng ta hướng đến sự nhất hướng ly tham - đoạn diệt phiền não - giác ngộ các pháp thoát khỏi hữu lậu, vô minh - giải thoát khỏi tham ái - dục lạc cõi dục - sắc giới - vô sắc giới.

Nhưng khi chưa đủ duyên chúng ta hãy ước nguyện hay phát tâm... giúp chúng ta tinh tấn hơn trong việc hướng đến thiện pháp.

Hãy ước nguyện bản thân và cả thảy có sức khỏe tốt, đầy đủ căn chi thức.

Hãy ước nguyện - gieo duyên học tập và thực hành giáo pháp.

Hãy ước nguyện nếu còn sinh tử ước nguyện bản thân gặp lại chánh pháp và tu tập theo chánh pháp.

Hãy ước nguyện bản thân không rơi vào tà kiến - buông lung - phóng dật.

Hãy ước nguyện bản thân có chánh kiến, chánh niệm và ly tham.

Hãy ước nguyện bản thân và tất cả ân nhân - quyến thuộc - chúng sanh có duyên gặp được chánh pháp không rơi vào cõi khổ.

Ước nguyện không phải là cầu xin. Ước nguyện là có những hành động thiết thực đúng đắn kèm theo.



Tôi hiện tại có ước nguyện rằng gia đình tôi thọ Tam quy và giữ gìn năm giới một cách viên mãn chứ không phải làm theo hình thức lễ nghi vì thành tựu tám pháp này giúp chúng sanh thoát khỏi điều bất thiện và hưởng sự an lành trong thiện pháp, đó là điều cơ bản và căn bản phải viên mãn khi muốn tu tập nhất hướng đến giác ngộ Níp bàn.



Dù là tu sĩ hay cư sĩ điều quan trọng trong tu tập là thấy ra sự thật - biết và thực tập buông bỏ, tất cả đều do nhân - duyên - quả đừng quá mong muốn tham cầu mà tự gieo nhân bất thiện mà gặt quả khổ.



Bản thân tôi về sức khỏe hay hoàn cảnh trong tương lai điều không chắc chắn, vậy nên tôi trân trọng và hay biết khoảnh khắc hiện tại. Nói ra những lời ngẫu hứng hơi sến súa nhưng đó là những điều tôi hay suy ngẫm và hướng đến. Đó chỉ là nói nhưng có tư duy còn hơn ở không chờ sự cứu rỗi tiếp dẫn hoang đường.



Namo Buddha, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.



#空境灯如



Pnor Dath, Thứ bảy ngày 02 tháng 6 năm 2018.



Ps: Vài lời trao đi trong niềm hoan hỉ khi xem các hình ảnh cư sĩ Phật giáo nguyên thủy Theravāda thọ trì Bát quan trai và đêm thọ đầu đà tại Chùa Giác Pháp Vũng Tàu. Và lời trên chỉ chia sẻ cùng các bạn trẻ cùng chung lứa tuổi.
Chưa phân loại
Uncategorized