Mời Nhau Chén Rượu Hồ Trường

Tác giả: Yên Sơn

(*)

Mới đó... chừng đã 30 năm
Kể từ ngày “một-chín-bảy-lăm”
Thời gian lướt đi thật nhanh
Nhìn lại một thời xuân xanh
Mà tưởng như giấc mơ hoa đêm mùa hạ!

Soi bóng mình trong gương thấy lạ
Tóc đã bạc màu, má hóp, da nhăn
Lòng chợt dấy lên nhiều nỗi băn khoăn
Khi bóng dáng quê hương chập chờn trước mắt
Ruột gan co thắt
Nước mắt chực trào
Thương quá chừng hai tiếng “mày tao”
Thương nghiệp dĩ một thời làm lính chiến
Nay tất cả đã trở thành miên viễn
Riêng tao phương này vẫn nhớ đến tụi bay
Nhất là lần tưởng niệm năm nay
Cái mốc thời gian - 30 năm nghiệt ngã
Vẫn nhớ như in, từng cánh chim vội vã
Lìa bỏ quê hương, bỏ cả gia đình
Tao thương thân tao
Thương lũ chúng mình
Nhưng không tiếc đã sanh lầm thế kỷ
Tao bây giờ sống không bình yên trên đất Mỹ
Nhìn bóng chiều tà tiếc một đời trai!

Bằng hữu ơi!
Đêm nay...
Tao lại nhớ đến chúng mày
Những thằng bạn, đã một thời, cùng vào sanh ra tử
Tao cố bậm gan sống đời lữ thứ
Nhưng khô cạn dần mỗi độ tháng tư
Đêm nay rượu bỗng thừa dư
Bên ngoài trời tối đen như mực
Đã khuya lắm tao vẫn ngồi canh thức
Uống rượu khan, ngâm bản Hồ Trường
Cầm chai rượu trong tay đưa tám hướng bốn phương
Vẫn “không biết rót về đâu
Đâu người tri kỷ” (*)
30 năm!
Sống tha hương tao nghiệm ra chân lý
“Mỗi một con người chỉ có một quê hương”
Lũ chúng mình:
Đứa vùi sâu trong lòng đất lạnh
Đứa bỏ xác đại dương
Dăm ba đứa khắp chân trời góc bể
Dù cuộc sống ra sao cũng không bao giờ và không thể
Quên bỏ được phần đất tổ quê cha

Đôi lúc có người nói “chúng mình đã già”
Nên tao cố gọi chúng mày bằng tiếng “anh” trang trọng
Nhưng nghe chính tiếng mình vẫn tưởng đâu thằng nào nói ngọng
Ha hả cười... gào hai tiếng “mày tao”
Rượu Hồ Trường, có còn nghĩ đến nhau
Xin nâng chén dù chúng mình ở Đông Tây Nam Bắc
Chúng mình dù như ngọn đèn dầu heo hắt
Xin được một phút huy hoàng trước lúc xuôi tay (**)

-----------------------
[size="2"](*) Bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác
(**) Trong bài thơ “Giục Giã” của Xuân Diệu
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm[/size]
Chưa phân loại
Uncategorized