Kỷ Luật Tướng Lĩnh Phản Ảnh Thực Tế Chính Trị

Tác giả: Đặng Hoàng Vũ

KỶ LUẬT TƯỚNG LĨNH PHẢN ẢNH THỰC TẾ CHÍNH TRỊ
Trong chuyện TAM QUỐC, có hai hình ảnh tương phản về cách xử lý tướng lĩnh làm trái lệnh giữa Tào Tháo và Gia Cát Lượng:
1) Tào Tháo đang trên đà chiến thắng vang dội trước Viên Thiệu (mạnh hơn 10 lần), đất nước thịnh vượng, quân tướng một lòng, người tài vô số, loại chống đối chiếm rất nhỏ. Tào Tháo muốn phát động cuộc chiến với Lưu Biểu để lấy nốt Kinh Châu, làm bàn đạp tấn công Đông Ngô, thống nhất đất nước.
Chiến lược được vạch ra khá kỹ lưỡng, nhưng trước trận chiến với Lưu Biểu thì Tào Nhân đã tự ý trái lệnh dẫn quân đi tập kích Lưu Bị để lập công, vì sợ Lưu Bị cấu kết Lưu Biểu. Cuộc tập kích của Tào Nhân thất bại do Lưu Bị được Từ Thứ làm quân sư, làm đảo lộn kế hoạch chiến lược của Tào Tháo.
Tuy nhiên, Tào Tháo chỉ trách Tào Nhân mấy lời rồi vỗ về trở lại “Thắng bại là chuyện thường tình của binh gia”. Quý cái tài của Tào Nhân chỉ là một phần nhỏ, phần lớn hơn là vì Tào Tháo đang thịnh vượng, cần sự đột phá. Nếu cứ khắc khe với tướng lĩnh thì sẽ không ai dám mạo hiểm đột phá, đất nước sẽ không thể phát triển mạnh mẽ hơn được. Đột phá thì đương nhiên phải có rủi ro, cũng như “Lời, lỗ là chuyện thường tình của thương gia”, nhưng thế đang thịnh thì dù có một vài rủi ro cũng chả ăn thua.
2) Gia Cát Lượng trong cuộc bắt phạt đã cử Mã Tốc trấn giữ Nhai Đình, Mã Tốc cũng vì lo sợ công trạng bị Ngụy Diên chiếm mất nên đã chống lệnh mà làm trái phương án do Gia Cát Lượng đưa ra. Kết quả là Nhai Đình thất thủ, đẩy quân Thục từ thế thắng thành thế chống đỡ mệt mỏi do Tư Mã Ý tiếp viện.
Gia Cát Lượng gạt nước mắt chém Mã Tốc – một tướng tài không dễ gì có, người đã góp phần lớn chiến thuật trong việc bình định phương nam, thu phục Mạnh Hoạch. Có thể nói, việc chống lệnh của Mã Tốc và Tào Nhân chẳng khác nhau là mấy, nhưng cách hành xử của Gia Cát Lượng quyết đoán hơn nhiều so với Tào Tháo.
3) Bình luận:
Việc kỷ luật tướng lĩnh thoạt nhìn thì cứ tưởng đó là cá tính của lãnh đạo, thế nhưng hãy phân tích kỹ sẽ thấy đó là sự phản ánh thực tế nền chính trị và xã hội. Tào Nhân vi phạm khi Tào Tháo đang cực thịnh, nó được liệt vào dạng rủi ro trong binh pháp. Trong khi Mã Tốc vi phạm khi nước Thục đang có sự tranh giành, cát cứ, không nể phục lãnh đạo, Ngụy Diên thì thân phục mà tâm không phục, Quan Vũ cũng vì muốn giành công mà để mất Kinh Châu, mất luôn cả mạng. Do đó, có thể thấy sự quyết đoán của Gia Cát Lượng là để dằn mặt Ngụy Diên, Lý Nghiêm và các tướng lĩnh khác, nó lại phù hợp với bối cảnh của nước Thục lúc đó.
Cho nên, bên trong việc xử lý kỷ luật cán bộ là sự phản ánh được thực tế của tình hình chính trị và xã hội, nó lại càng đúng với quy luật mà Mác đã đưa ra “vật chất quyết định ý thức, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”. Dù người ta có ghét bỏ cái quy luật đó, cố hành động ngược ngạo với nó để khẳng định bản lĩnh cá nhân riêng thì sau vài lần phủ định loạn xạ, nó cũng lại trở về đúng cái quy luật đó. Đã là quy luật khách quan, độc lập với suy nghĩ con người thì không thể thoát được, chỉ là ảo tưởng thoát ly trong một thời khắc nào đó mà thôi.
Từ đó cho thấy, cái sai lầm không phải là sai lầm của tướng lĩnh, họ cũng do thời cuộc mà quyết định, sai lầm xét đến cùng là sai lầm của chiến lược. Nếu như Tào Tháo dửng dưng mà nói “Thắng bại là chuyện thường tình của binh gia” vì mục tiêu đánh chiếm Kinh Châu đúng đắn, sau này Tào Tháo đại bại ở Xích Bích là do Chu Du ăn may. Ngược lại, Gia Cát Lượng chém Mã Tốc trong nhọc nhằn của tâm lý, vì chiến lược của Gia Cát Lượng là chưa phù hợp, nóng vội, đúng ra đó phải là chiến lược phát triển bền vững khu liên hợp Kinh Châu – Tứ Xuyên trước khi thịnh vượng để bắc tiến.
Tinh hoa của nhân tài, tinh hoa của tướng lĩnh phụ thuộc phần lớn vào chiến lược có sáng suốt hay không, thay vì bàn tướng lĩnh thì hãy bàn chiến lược mới giải quyết được mấu chốt của vấn đề.
Chỉ là bình luận TAM QUỐC bằng kiến thức thời nay, không có ý gì khác nhé!
Đặng Hoàng Vũ (10/5/2017).
Chưa phân loại
Uncategorized