Hội Chứng Stockholm

Tác giả: Đinh Kim Chung

HỘI CHỨNG SÌ TỐC KHÔM(*)

Chuyện vào thế kỷ trước
Năm một chín bảy ba
Ở trên lục địa già
Đã diễn ra câu chuyện

Ở Thủ đô Thụy Điển
Tức là Stockholm
Jan Erik râu xồm
Cướp nhà băng

Cảnh sát phát hiện được
Đã tổ chức bao vây
Bốn con tin trong tay
Hắn tự mình khống chế

Dù trăm phương ngàn kế
Cảnh sát cũng đầu hàng
Hắn yêu sách ngang tàng
Đưa bạn mình vào đó

Tình thế khi đã khó
Tổng thống cũng ra tay
Thương thuyết, nhưng tiếc thay
Ông dường như bất lực

Bỗng một điều chứng thực
Đã xảy ra lúc này
Sau năm ngày bao vây
Một con tin gọi điện

Không ép mà tự nguyện
Con tin này tự thân
Gọi cướp là ân nhân
Đòi giải vây tức khắc

Cảnh sát sau vẫn bắt
Được hai tên cướp này
Bằng cách xịt hơi cay
Nhưng ồn ào thế giới

Khắp nơi dồn đổ tới
Xem hiện tượng là gì
Mà người bị bắt đi
Lại mang ơn kẻ cướp?

Hội chứng này đã được
Lan nhanh trên toàn cầu
Họ phân tích rất sâu
Bằng ngành phân tâm học

Con tin kia còn khóc
Xin tha cho ân nhân
Sau họ thành bạn thân
Chuyện đời sao lạ vậy?

Con chim là thế đấy
Đã bị nhốt vào lồng
Ơn người chửa vặt lông
Lại cho ăn thóc gạo

Nói rộng ra mạnh bạo
Đó chính là loài người
Bị nhốt dưới khung trời
Sẽ mang ơn...Thượng đế

(*): Nguồn gốc của thuật ngữ này là một vụ tội phạm xảy ra năm 1973 tại Stockholm, Thụy Điển. Sau một số vụ án khác, thuật ngữ “hội chứng Stockholm” đã trở nên khá phổ biến.
Hội chứng Stockholm là thuật ngữ mô tả một trạng thái tâm lý, trong đó người bị bắt cóc lâu ngày chuyển từ sợ hãi và căm ghét sang thông cảm và quý mến chính kẻ bắt cóc mình. Đến nay, hội chứng Stockholm vẫn là đề tài thu hút giới tâm lý học,  phân tâm học và nó cũng được thể hiện trong văn hóa. Theo các nhà tâm lý, đó là cơ chế tự vệ tự giác hoặc tự phát của người bị bắt cóc nhằm đương đầu với tình huống và tránh nguy hiểm.
Chưa phân loại
Uncategorized