Chút Mạn Đàm Về Thơ

Tác giả: Thiết Dương

CHÚT MẠN ĐÀM VỀ THƠ:

Dù không nói ra, nhưng chắc ai cầm bút cũng hiểu rằng: thơ là một hình thức nghệ thuật đặc sắc trong văn học. Dùng ngôn từ để miêu tả hiện tượng tự nhiên, phản ảnh hiện thực xã hội, cũng như bày tỏ tâm tư tình cảm một cách sinh động, có vần có điệu. Tạo cảm xúc cho người đọc.

Nhưng, một bài thơ như thế nào thì được gọi là thơ, là hay... cũng đã tốn rất nhiều giấy mực của bao thế hệ. TD tìm hiểu và đúc kết lại một số ý chính như sau:

I. MỘT BÀI VIẾT TỐT, VIẾT HAY:

Nói chung, ta yêu thơ thì ta cứ viết theo cảm xúc. Còn để được gọi là thơ, gọi là thơ hay lại là chuyện khác. Có khi bị người đọc phê bình, ta cũng không nên miễn cưỡng theo cách: bạn không hiểu được ý thơ... Đây là cách lập luận rất ngụy biện và cao ngạo. Người đọc không phải là học sinh phổ thông. Có thể họ viết chưa hay, nhưng họ cảm nhận được thơ. Đến các văn nhân, thi sỹ đã khẳng định được tên tuổi như: Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính.. cũng từng bị giới phê bình chém tơi tả, thì huống gì thơ của bọn ta.

TD cũng nhìn nhận thẳng, là có thể biết viết đôi chút, chứ chưa viết hay. Vì một bài thơ, để được gọi là viết hay, theo TD phải làm tốt được các yếu tố:

1/ Về âm điệu, tiết tấu:
Người viết thơ, chắc ai cũng sẽ biết về các quy luật bằng- trắc (B-T) trong câu thơ. Nó làm cho câu thơ êm đềm, mềm mại, giàu tính nhạc. Mục đích là làm cho câu thơ truyền cảm, dễ đọc, dễ nhớ. Khi kỹ năng thuần thục, thì mỗi người có lối hành văn riêng, mà không cần phải cứng nhắc theo các bảng luật cơ bản. (Như các thi nhân thường làm).

2/ Đề tài và góc nhìn:
Tựu trung, người làm thơ thường viết về các đề tài quen thuộc như:
- Thơ tả cảnh;
- Thơ tình: tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, bạn bè...
- Thơ về lẽ sống, đạo đức, cách làm người, sống đời, sống đạo...
- Thơ trào phúng, phản ảnh, phê phán hiện thực xã hội.

Mỗi đề tài sẽ có vô vàn góc nhìn khác nhau. Đòi hỏi người viết phải quan sát tinh tế, để có những góc nhìn độc đáo, sáng tạo, thì mới có bài viết hay. Còn khi chỉ lập đi lập lại ý tưởng, mà chưa chắc viết khéo bằng những bài của người khác đã viết thì không thể gọi là thơ hay.

Lại có người, tuy viết thơ tình lãng mạn rất hay. Nhưng cứ như 1 cái khuôn đóng gạch, sản xuất ra cả hàng thiên như một khuôn mẫu, đến nỗi khi đăng thơ, người đọc chưa cần đọc đã biết bài viết cái gì, viết kiểu gì... thì sao gọi là thơ hay?

3/ Viết về các điển tích, các sự kiện lớn:
- Khi dùng điển tích, hoặc các sự kiện lớn, phải tìm hiểu cho thật kỹ tác phẩm gốc. Nếu không, bài viết rất dễ bị khâp khiễng.
Chẳng hạn: Không thể viết "Lữ Bố luận đàm văn sử", "Khổng Minh múa võ, đi quyền", "Tôn Ngộ Không đàn ca"...

4/ Về ngôn từ, lời hay ý đẹp:
Đã là thơ hay, đòi hỏi phải dùng lời hay ý đẹp. Tức là: lời thơ trong sáng, tự nhiên, giàu tình cảm. Không gượng ép từ, không gọt giũa một cách khiên cưỡng. Phải gọt giũa một cách kín đáo, khéo léo. Ý thơ dào dạt, hàm súc. VD:
"Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha"
(Truyện Kiều_ Nguyễn Du).

"Người thơ phong vận như thơ ấy
Nào đã ra đời ngọc biết tên"
(Mùa xuân đầu tiên_ Hàn Mặc Tử).

Dùng từ: Tiếng Việt có kho từ hoa mỹ phong phú, nhất là các từ Hán Việt, nó rất hay. Nhưng đòi hỏi phải hiểu sâu về từ, và dùng đúng nơi đúng chỗ nó mới hay. Nếu dùng không đúng, nó sẽ khập khiễng, làm hỏng bài thơ. Ví dụ:
- Có người viết câu thơ:
"QUÁ TRÌNH ta sống ngày mai
Sợ nhiều YẾU ĐIỂM sẽ phai tình này"
Mới đọc thì thấy hay hay, nhưng ở đây, rõ ràng dùng từ khập khiễng do hiểu từ chưa tường tận.
+ Quá trình: quá ở đây là 過: trải qua, sống qua. => Nói ngày mai, sao lại QUÁ TRÌNH? phải dùng TIẾN TRÌNH mới đúng.
+ YẾU ĐIỂM: Có nghĩa là điểm quan trọng => Câu thơ dùng sai, phải nói ĐIỂM YẾU mới đúng.

- Hay như câu mà cả các chương trình dự báo thời tiết trên truyền hình cũng hay sai: "Lượng mưa kéo dài" LƯỢNG là nói tới số lượng, nhiều hay ít. Chứ không thể nói lượng kéo dài. Ở đây phải nói "Thời gian mưa kéo dài" mới đúng.

- Hay như từ mọi người thường dùng: "Niềm đau", "Nỗi vui" -> Rõ ràng là dùng không đúng từ. Trong tiếng Việt, NIỀM được kết hợp với các tính từ có sắc thái tích cực (niềm vui, niềm hạnh phúc...). NỖI thường kết hợp với các tính từ có sắc thái không tích cực (nỗi đau, nỗi bất hạnh...).

Nếu ta chưa hiểu từ nhiều, thì khi viết, hãy dùng từ thật bình thường, sao cho dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ. Như bài "Hai sắc hoa tigol" của TTKH, từ ngữ rất đơn sơ, mộc mạc. Nhưng chứa chan tình cảm, nên đã đi vào lòng người bao thế hệ:
"Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa... vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?"

II. MỘT SỐ CUỘC THI THƠ, BÀI ĐOẠT GIẢI CÓ XỨNG ĐÁNG:

Vừa qua, có rất nhiều cuộc thi thơ ở các diễn đàn, mà các bài đoạt giải sau đó đã gây ồn ào. Nhiều ý kiến phản ảnh là chưa hay, chưa xứng đáng. TD không bàn về bài thơ và tác giả. Vì ai cũng có quyền dự thi bằng bài thơ bất kỳ. Còn đoạt giải hay không lại do người chấm thi. Nên TD chỉ có đôi lời trao đổi:

Đúng là ở một số cuộc thi, đã bộc lộ người chấm bài chưa xứng tầm. Vì bài đoạt giải cao cũng chỉ là những bài thơ rất bình thường. Viết những đề tài rất cũ mà không có góc nhìn mới. Với những bài tương tự như thế, đã có rất nhiều người, từ bậc văn sỹ đến người bình thường khác, đã viết trước đó, và viết khéo, viết hay hơn rất nhiều.

Bài viết chỉ là đề tài cũ, góc nhìn cũ, không có ý tưởng mới. Mà viết còn vụng hơn, thì sao gọi là thơ hay, mà chấm giải này giải kia.
(Nếu chỉ là những cuộc thi nội bộ của một nhóm nào đó, để động viên nhau thì ok. Cuộc thi rộng rãi, đại chúng mà như vậy thì rất khập khiễng).

Trên báo chí đã từng có những cuộc thi thơ, chỉ có giải khuyến khích, mà không tìm được bài xứng đáng cho giải nhất, nhì, ba.

Thời còn là sinh viên, TD được đọc một bài thơ đoạt giải ở cuộc thi thơ báo chí gì đó. Lâu quá rồi TD không nhớ cuộc thi nào, tác giả là ai. Hình như của một cô sinh viên. Chỉ biết đây là bài thơ hay mà chỉ đọc qua, TD vẫn thuộc đến bây giờ. TD xin được ghi ra, chắc sẽ có vài từ nhớ không chính xác, mong tác giả thứ lỗi):

Giận Mẹ

Ngược xuôi nhà mẹ mấy lần
Muốn vào nhưng cứ ngại ngần làm sao
Nhà dượng mái ngói tường cao
Con mẹ nghèo khó nên vào hay chăng ?
Trời chiều tím ngắt bằng lăng
Dẫu màu tím ấy đâu bằng lòng con
Về thôi, về lại lối mòn
Bước đi hờ hững mặc con bướm vàng
Thèm bàn tay mẹ đông sang
Nhưng nay mẹ chỉ là hàng xóm thôi.

Có thể nói, một bài lục bát hay. Dù đề tài không mới, thậm chí nó cũ như ca dao (từ thời xa xưa đã có trong ca dao như:
Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai).
Nhưng tác giả đã có một góc nhìn hoàn toàn mới. Dùng từ một cách đơn giản, như những câu nói bình thường hàng ngày, không hoa mỹ, bóng bẩy. Nhưng dạt dào tình cảm của một cô gái, mà câu thơ sau đã cho chúng ta biết tác giả đang ở lứa tuổi hoa niên: "Bước đi hờ hững mặc con bướm vàng".

Cái hay ở chỗ: Trong nỗi buồn vời vợi của lứa tuổi đang cần vòng tay mẹ. Nỗi nhớ thương, khao khát vòng tay của mẹ khôn nguôi: "Thèm bàn tay mẹ đông sang". Nhưng không hờn giận, không oán trách một cách mãnh liệt như lẽ bình thường của cái tuổi hoa niên mạnh mẽ, sôi động. Câu cuối như là chấp nhận, chỉ trách cứ một cách rất đáng yêu và có phần thông cảm. Ngẫm ra thì rất sâu sắc, rất đau lòng. Nhẹ nhàng thôi mà có thể lấy nước mắt của người đọc: "Nhưng nay mẹ chỉ là hàng xóm thôi".

III. VẬY TA PHẢI VIẾT RA SAO:

Có người là bậc dạy thơ trên net, đã nói với TD rằng: Bao giờ thơ của mình mới được mọi người biết tới như thơ của các thi nhân ngày trước? TD chỉ cười thầm mà không dám trả lời.
- Ai yêu thơ thì cứ viết theo cảm xúc. Nếu câu thơ nào đó, bài thơ nào đó viết về đề tài mới, (hoặc đề tài cũ mà có góc nhìn mới). Thì tự người đọc sẽ cảm nhận, sẽ yêu thích.
- Nếu một bài thơ (hoặc một câu thơ) viết thật khéo, tạo rung động mạnh mẽ trong lòng người đọc, thì tự người ta sẽ yêu thích, và đọc đi đọc lại, thuộc lòng câu thơ (bài thơ) ấy.
- Hoặc người viết có lối hành văn hay, dùng từ một cách khéo léo, tài tình, sáng tạo. Gây nhiều cảm xúc. Thì người đọc sẽ yêu thích và không những chờ đọc hàng ngày, mà còn xem là kiểu mẫu để học theo.
- Còn khi ta chỉ có mỗi đề tài ấy, viết tới viết lui. Không có góc nhìn nào sáng tạo. Rõ ràng nó sẽ nhàm, nhàm tới mức người đọc còn không thể đọc hết bài thơ. Thì sao gọi là thơ hay, mà người đời phải nhớ (!)

TÓM LẠI
Người yêu thơ cứ viết, cứ phiêu thoải mái theo những cảm xúc hàng ngày. Muốn bài viết tốt hơn, chất lượng hơn, nên chú ý những yếu tố cơ bản sau:
- Ban đầu, hãy viết theo bảng luật B-T của mỗi loại thơ, sẽ mềm mại, giàu tính nhạc. Khi bút pháp điêu luyện thì phăng thoải mái.
- Dùng từ đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. Chủ yếu viết bằng cảm xúc chân thật, giàu tình cảm. Không gượng ép từ thái quá. Không dùng từ cẩu thả, không dùng sai từ, không dùng từ vô nghĩa, sáo rỗng. Một bài thơ viết bằng tiếng mẹ đẻ mà sai chính tả lung tung, thì rõ ràng người viết rất cẩu thả. Thậm chí gây khó chịu cho người thưởng thức.
- Khi dùng điển tích, hoặc các sự kiện nổi tiếng, phải tìm hiểu cho thật kỹ tác phẩm gốc. Nếu không, bài viết rất dễ bị khập khiễng.
- Hãy quan sát kỹ xung quanh. Vì cuộc sống là đề tài vô tận. Quan sát dưới những góc nhìn mới, góc nhìn độc đáo để viết.
- Bài viết phải có nội dung súc tích, lắng đọng. Nó tạo thành cái hồn cho bài thơ. Bài thơ hay, ý thơ quan trọng hơn những thứ niêm- luật rất nhiều. Viết đúng niêm luật mà ý thơ nghèo nàn, nhạt nhẽo, thì bài thơ cũng bỏ đi thôi.

TD cũng tự nhận thấy mình chưa viết được hay. Hàng ngày vẫn đang phải đọc và học hỏi từ các bạn rất nhiều.

Một vài ý kiến lạm bàn.

Thiet Duong _01/6/2018
Chưa phân loại
Uncategorized