Ăn Mày Cửa Phật

Tác giả: Thiết Dương

"ĂN MÀY CỬA PHẬT"

Tóc bạc đầu xanh đủ hạng người
"Ăn mày cửa phật" khắp muôn nơi
Giàu sang vẫn khấn thêm cơ hội
Khó nhọc hằng xin gặp thế thời
Rồi lại "phát tâm" như gánh hát
Tha hồ "tích đức" tựa trò chơi
Ở lành tránh dữ sao không hiểu
Kết quả do ta chẳng tại trời.

Thiet Duong _18/5/2018
___________________

"ĂN MÀY CỬA PHẬT"

"Ăn mày cửa phật". Như một câu thành ngữ, chỉ người khiêm nhường, thành tâm, tu tập nơi cửa phật.

Nhưng, từ lâu, "ăn mày cửa phật" đã biến tướng rất nhiều, cả về nghĩa đen đến nghĩa bóng.

- Lắm người vì hoàn cảnh này nọ, phải vào chùa nương nhờ cửa phật. Có người để trốn tránh sự đời, có người thì để kiếm chút "lộc rơi lộc vãi", hoặc đơn giản, có người chỉ để có bát cơm chay qua ngày...

- Cũng nhiều người vì hoàn cảnh khốn cùng, phải đi xin ăn nơi cổng chùa. Nhưng cũng không ít người lợi dụng cổng chùa để chăn dắt, tụ tập những người tàn tật, trẻ em... để xin của bố thí. Hoặc giả, không ít người sức dài vai rộng, cũng tay gậy tay bị nơi cổng chùa vào những ngày rằm, dịp lễ... vì có thu nhập khá cao, lại nhàn hạ.

- Lại có những đoàn sư giả, tụ tập nơi chùa chiền để khất thực. Mà giáo hội Phật giáo và báo chí đã từng nêu.

- "Ăn mày cửa phật" của những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Họ vào chùa để cầu xin may mắn, cầu xin thoát cảnh nghèo.

- "Ăn mày cửa phật" của những người, tuy gia cảnh rất giàu có. Cả những bậc quyền cao, chức trọng. Họ đến để cúng kiếng, hương khói, mua chim, mua cá phóng sinh... mục đích để cầu xin được may mắn hơn nữa, sung túc hơn nữa, vững ghế, vững quền... thỏa lòng ham muốn.

- "Ăn mày cửa phật" của dân cờ bạc, cá độ, đánh đề... đến xin sự may mắn.

Còn nhiều, rất nhiều nữa hình thức "ăn mày cửa phật". TD tuy không có đạo Phật, nhưng cũng hiểu được đôi chút về giáo lý nhà Phật.

- Không phải ai tu là thành phật. Cũng không phải ai cầu xin gì ở Phật, là Phật sẽ ban cho. Con đường thành Phật, hay kết quả ra sao, đều do cách chúng ta nghĩ, do việc chúng ta làm mà ra.

- Một người chỉ đến khi đang mong mỏi điều gì đó, chạy đến nhà chùa, thắp nhang khấn vài. Mua chim cá ở cổng để phóng sinh (dẫu biết rằng, chim và cá ấy có phóng sinh nó cũng sẽ bị bắt lại ngay sau đó để bán cho người khác). Móc vài đồng bố thí. Hỏi có ơn ích gì không?

- Một người buông lỏng con cái, ham chơi bời, không chịu học hành. Trước kỳ thi, lên chùa khấn, xin cho thi đỗ chỗ này, đạt chỗ kia. Hỏi có nghĩa gì không?

- Và hơn nữa, một người lúc sống làm nhiều việc không phải, trái với lương tâm, trái với đạo lý. Thì khi chết có siêu thoát được bằng những lời kinh tụng, cúng vái của người sống không?

Không thể nào đâu (!)

- Phật chỉ cho loài người con đường đi để thành phật. Nhưng sẽ không cõng con người tới đâu. Mà chính con người phải tự thắp đuốc, tự soi đường mà đi. Muốn thành phật thì phải có quá trình tu tập. Dưỡng thân dưỡng tính, sống bác ái, từ tâm, hiếu nghĩa... Không phải cứ đi tu là thành Phật. Không phải cứ sống và làm nhiều việc không tốt. Lâu lâu lên chùa khấn vái mà được ơn ích.

- Phật sẽ chẳng bao giờ ban phát cái này cái kia theo lời cầu khấn để thỏa lòng ham muốn của con người. Mà trong giáo lý, Phật có dạy rằng: Phải biết trân trọng những gì mình đang có. Phải biết chan hòa, chia sẻ với mọi người xung quanh. Người giàu chắc gì đã hạnh phúc, khi mà sức khỏe không có, tinh thần suy sụp, người thân ly tán... Người nghèo, cuộc sống đạm bạc thôi, nhưng chắc gì đã thiếu hạnh phúc khi gia đình tề tựu, trên dưới yêu thương, ngập tiếng vui cười...

Nào cùng suy niệm, để "Ăn mày cửa phật" cho đúng nghĩa nhé.

Thiet Duong
Chưa phân loại
Uncategorized