Tác giả: Trần Văn Lương
Dạo:
Gió dồn lá chết đầy tay,
Mùa thu áo vá đêm nay nhớ gì?
Mùa Thu Áo Vá
Ai máng vội áo mùa thu lên lá,
Cho rừng không kịp vá vết sầu loang.
Đường quên mưa, cỏ úa chết thành hàng,
Sương cố quận ngỡ ngàng rơi đất lạ.
Núm hoa dại thở dài trong kẽ đá,
Con suối nghèo cãi vã với rong rêu.
Sao lơ thơ như muối rắc không đều,
Mây mất gốc lều bều trôi vất vưởng.
Trong thanh vắng, tiếng ai cười gắng gượng,
Chặng cuối đời vẫn bướng bỉnh tìm vui,
Cơn đau xưa ngày mấy bữa chôn vùi,
Tim mắc nghẽn một nùi mơ ước dở.
Chốn tạm trú, thân nửa thầy nửa thợ,
Gót thu mòn lối chợ chẳng người quen,
Nắng chưa nồng đã nhượng lối đêm đen,
Tri kỷ chỉ một ánh đèn cô quả.
Hoài đợi sáng, hồn chai lì hóa đá,
Trót phai màu, lá hối hả ra đi.
Trăm năm sau, đất mộ cũ phẳng lì,
Kiếp sống tạm có còn chi dấu vết.
Hơi thu tàn mỏi mệt,
Lá xa cành vẫn lê lết tìm nhau.
Nhưng người xưa khi nhắm mắt lên tàu,
Là biết đã đại dương sầu cách biệt.
Dĩ vãng chết, nhưng lòng chưa chịu chết,
Vẫn âm thầm lần theo vết chim bay,
Vẫn run run chắt mãi giọt nắng ngày,
Vẫn đeo đuổi bóng mây chiều hư ảo.
Ra đi trong gió bão,
Bao thu rồi manh áo cũ chưa thay,
Nhìn mũi chỉ đường may,
Chua xót nhớ bàn tay gầy của mẹ.
Trong đáy mắt như ruộng đồng nứt nẻ,
Còn lăn tăn chút cặn lệ dư thừa.
Tuổi xế chiều, trời ít nắng nhiều mưa,
Trang giấy lẻ đã dần thưa nét chữ.
Hoa ngả ngớn bán rao câu tình tự,
Nhưng phận người lữ thứ dám nào mua.
Đêm ôm chăn thao thức đợi chuông chùa,
Chỉ nghe tiếng thở than mùa ly biệt.
Đĩa dầu con cạn kiệt,
Mài miệt bóng ma chơi.
Đôi môi thâm đã nửa kiếp quên lời,
Cơn điên loạn, khẽ nhếch cười cay đắng.
Biển xưa lặng, niềm đau xưa chẳng lặng,
Xuân không về, lòng mãi vắng hương mai.
Ngày ngắn dần, gượng nán lại dằng dai,
Đêm lấn lướt, cố kéo dài bất tận.
Chim mất tổ, xót xa chiều lận đận,
Sương xa người, luẩn quẩn đáy vực sâu.
Gió đuổi nhau tê buốt nhánh cây sầu,
Quạ vất vả đỡ nhịp cầu uất hận.
Con trăng già nén giận,
Nhìn đèn màu dọa dẫm ánh sao câm.
Lá rắc tựa mưa dầm,
Thu luống cuống cổi lầm manh áo vá.
Trần Văn Lương
Cali, 10/2010
Gió dồn lá chết đầy tay,
Mùa thu áo vá đêm nay nhớ gì?
Mùa Thu Áo Vá
Ai máng vội áo mùa thu lên lá,
Cho rừng không kịp vá vết sầu loang.
Đường quên mưa, cỏ úa chết thành hàng,
Sương cố quận ngỡ ngàng rơi đất lạ.
Núm hoa dại thở dài trong kẽ đá,
Con suối nghèo cãi vã với rong rêu.
Sao lơ thơ như muối rắc không đều,
Mây mất gốc lều bều trôi vất vưởng.
Trong thanh vắng, tiếng ai cười gắng gượng,
Chặng cuối đời vẫn bướng bỉnh tìm vui,
Cơn đau xưa ngày mấy bữa chôn vùi,
Tim mắc nghẽn một nùi mơ ước dở.
Chốn tạm trú, thân nửa thầy nửa thợ,
Gót thu mòn lối chợ chẳng người quen,
Nắng chưa nồng đã nhượng lối đêm đen,
Tri kỷ chỉ một ánh đèn cô quả.
Hoài đợi sáng, hồn chai lì hóa đá,
Trót phai màu, lá hối hả ra đi.
Trăm năm sau, đất mộ cũ phẳng lì,
Kiếp sống tạm có còn chi dấu vết.
Hơi thu tàn mỏi mệt,
Lá xa cành vẫn lê lết tìm nhau.
Nhưng người xưa khi nhắm mắt lên tàu,
Là biết đã đại dương sầu cách biệt.
Dĩ vãng chết, nhưng lòng chưa chịu chết,
Vẫn âm thầm lần theo vết chim bay,
Vẫn run run chắt mãi giọt nắng ngày,
Vẫn đeo đuổi bóng mây chiều hư ảo.
Ra đi trong gió bão,
Bao thu rồi manh áo cũ chưa thay,
Nhìn mũi chỉ đường may,
Chua xót nhớ bàn tay gầy của mẹ.
Trong đáy mắt như ruộng đồng nứt nẻ,
Còn lăn tăn chút cặn lệ dư thừa.
Tuổi xế chiều, trời ít nắng nhiều mưa,
Trang giấy lẻ đã dần thưa nét chữ.
Hoa ngả ngớn bán rao câu tình tự,
Nhưng phận người lữ thứ dám nào mua.
Đêm ôm chăn thao thức đợi chuông chùa,
Chỉ nghe tiếng thở than mùa ly biệt.
Đĩa dầu con cạn kiệt,
Mài miệt bóng ma chơi.
Đôi môi thâm đã nửa kiếp quên lời,
Cơn điên loạn, khẽ nhếch cười cay đắng.
Biển xưa lặng, niềm đau xưa chẳng lặng,
Xuân không về, lòng mãi vắng hương mai.
Ngày ngắn dần, gượng nán lại dằng dai,
Đêm lấn lướt, cố kéo dài bất tận.
Chim mất tổ, xót xa chiều lận đận,
Sương xa người, luẩn quẩn đáy vực sâu.
Gió đuổi nhau tê buốt nhánh cây sầu,
Quạ vất vả đỡ nhịp cầu uất hận.
Con trăng già nén giận,
Nhìn đèn màu dọa dẫm ánh sao câm.
Lá rắc tựa mưa dầm,
Thu luống cuống cổi lầm manh áo vá.
Trần Văn Lương
Cali, 10/2010