Lời Nói Đầu

Tác giả: Nguyễn Gia Linh

Câu chuyện nằm trong bối cảnh lịch sử Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ thứ 15 trong khi nền văn học nghệ thuật Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẻ do sự xây cất Nhà Văn Miếu với những Bia Tiến sĩ (con rùa mang bia) hiện còn tồn tại ở Hà Nội và kỹ thuật in ấn do Thám Hoa Lương Nhữ Học, mang về sau khi học hỏi ở Tàu. Chuyện bắt đầu từ năm 1428 sau khi Bình Định Vương Lê Lợi thành công trong việc đuổi giặc Minh ra khỏi nước và lên ngôi lấy danh hiệu là Lê Thái Tổ rồi kết thúc với bài chế Tẩy oan cho Nguyễn Trãi của vua Lê Thánh Tông năm 1465. Thời gian 37 năm với bao biến đổi, ngoài sự ăn mừng chiến thắng của toàn dân, việc làm đầu tiên của Lê Lợi là cũng cố uy quyền bằng cách chuyên dùng bè lũ tay sai tham quyền cố vị, nghi ngờ những người tài ba có công với đất nước rồi lần lượt loại trừ những người ấy dù họ có nắm giữ binh quyền hay không, như Trần Nguyên Hãn, một vị tướng tài ba mặc dầu đã từ chức hồi hưu (như Phạm Lãi, Trương Lương) mà vẫn không thoát khỏi bản án tử hình, đành phải tự vùi mình theo dòng nước lũ, như Phạm Văn Xão một võ tướng hiên ngang trung trực bị xử trảm vì là người duy nhứt còn lại nắm giữ binh quyền, như Nguyễn Trãi, một người có công lớn hàng đầu trong việc đuổi giặc dựng nước, trước bị ở tù vì những lời khuyên can thẳng thắng, làm mất lòng bọn sủng nịnh rồi sau đó được thả ra vì không có chứng cớ gì để buộc tội. Cái ý định loại trừ Nguyễn Trãi đã phôi thai từ đãy, chỉ chờ khi có dịp mà thôi. Trong khoảng thời gian nầy và trước kia nữa, có một người đàn bà, hữu tài hữu sắc, đã từng tham gia với chồng trong thời gian kháng chiến ở vùng rừng núi Chí Linh, đã từng tham dự vào những luận bàn vê hành sự khi Nguyễn Long, con người vợ thứ hai của Lê Lợi, sau nầy là vua Lê Thái Tông, vừa mới được 2 tuổi. Người đàn bà đó chính là Nguyễn Thị Lộ, vợ của Nguyễn Trãi (ở đây tôi không có phân biệt vợ chánh, vợ thứ và thê thiếp). Trong thời gian đầu của triều Lê, với lương bổng ít ỏi vì liêm khiết nên khi Nguyễn Trãi bị ở tù, gia đình túng thiếu, Thị Lộ định đi buôn bán chiếu để xoay sở và lo cho chồng, nhưng vì uy tín của chồng, nàng đành sống gói ghém và cố năn nỉ những người bạn thân trong triều của Nguyễn Trãi để minh oan cho chồng.

Sau khi đã loại hai tướng tài Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xão, khi có giặc, chính vua Lê Thái Tổ phải tự cầm quân đi diệt giặc, mặc dầu bị suy nhược vì tuổi già và sự hưởng thụ. Trước khi chết, Lê Thái Tổ hối hận về những việc làm của mình, đã phong cho Thị Lộ làm chức Lễ Nghi học sĩ, dạy cung nữ và chỉ bảo Thái Tử Nguyên Long (9 tuổi) đồng thời đuổi hết bọn nịnh thần Lê Quốc Khí, Trình Bá Hoành, Đinh Bang Bảng và căn dặn Nguyên Long nên dùng những người tài, trung trực như Nguyễn Trãi. Khi vua Thái Tổ băng hà (năm 1433), truyền ngôi lại cho Thái Tử Nguyên Long, đã mất mẹ khi vừa mới 2 tuổi, đến khi được 10 tuổi lại mất cha. Ông lên ngôi lấy danh hiệu là Lê Thái Tông, còn nhỏ ham chơi (lẽ đương nhiên), háo sắc (vì những người đương thời có quyền thế ai cũng vậy, như Nguyễn Trãi có 4, 5 vợ và chưa kể bao nhiêu thê thiếp) nhưng chưa có một hành động nào rõ ràng trái với luân thường đạo lý thời đó. Trong những năm đầu, dưới quyền nhiếp chính của Lê Sát, vua có hai người vợ là Lê Ngọc Dao (con Lê Sát) và Lê Nhật Lệ (con Lê Ngân). Lê Sát càng ngày càng lộng quyền nên khi nhà vua hiểu rõ sự việc, muốn nắm quyền đã lần lượt loại trừ Lê Sát và Lê Ngân (đã thay thế Lê Sát nắm quyền nhiếp chính). Sớm phế bỏ Ngọc Dao, Nhật Lệ, nhà vua lập năm bà phi mới : Dương Thị Bi, mẹ của Thái Tử Nghi Dân (sanh năm 1439) được phong làm Hoàng tử năm 1440 rồi bị truất phế ngôi Hoàng Tử cuối năm 1441, Lê Thị Mai, mẹ của Khắc Xương, nhu mì, không tham dự vào sự tranh chấp quyền hành, Nguyễn Thị Anh, mẹ của Bang Cơ (sanh năm 1441), được phong Hoàng tử sau khi chào đời được vài tháng, Ngô Thị Xuân và Ngô Thị Bính tự Ngọc Dao (đang mang thai) là hai chị em.. Sự tranh giành ảnh hưởng trong hoàng cung đã đến hồi gay cấn mà người chủ chốt là Nguyễn Thị Anh, một người đàn bà đẹp sắc sảo nhưng sâu hiểm, tàn ác.. Sau khi loại Dương Thị Bí và dành được ngôi Hoàng Tử cho con mình, bà chỉa mủi dùi sang Ngô Ngọc Dao. Đến đây ta mới thấy vai trò quan trọng của Nguyễn Thị Lộ. Trong cung, ngoài sự răn dạy cung nữ và chỉ bảo nhà vua, Thị Lộ còn kết thân với Ngô Ngọc Dao vì hai họ Ngô, Nguyễn đã quen biết từ lâu. Chính Ngô Từ, cha của Ngọc Dao đã giới thiệu Nguyễn Trãi cho Lê Lợi trong thời gian khởi nghĩa và đã giới thiệu Nguyễn Thị Lộ giữ chức Lễ Nghi học sĩ cho vua Lê Thái Tổ. Vì biết Ngọc Dao đang mang thai, vừa được lòng vua, vừa được lòng những công thần hoàng tộc như Đinh Liệt, Nguyễn Xí và thân cận với Thị Lộ và Nguyễn Trãi, bà Nguyễn Thị Anh sau khi tố cáo bà Ngọc Dao đầu độc con mình với nhà vua không được, đành dùng mưu kế để chia cách Nguyễn Trãi với Thị Lộ, Thị Anh cho người phao truyền ở ngoại thành và nhứt là ở Côn Sơn nơi Nguyễn Trãi đang về hưu (vì bất đồng ý kiến với hoạn quan nịnh thần Lương Đăng về vụ Lễ Nhạc) rằng nhà vua đang dan díu với Thị Lộ, nhưng cố tránh không cho tin nầy truyền đến tai nhà vua. Những lá thư trao đổi giữa Nguyễn Trãi (đang ghen vì những tin truyền nhảm) và Thị Lộ trong thời gian nầy cho thấy bà Lễ Nghi học sĩ vẫn tròn đạo nghĩa. Biết rằng Ngọc Dao không thể sống yên ổn ở trong cung, Nguyễn Thị Lộ và Đinh Liệt bí mật đưa Ngọc Dao đang có mang ra trốn ở chùa Huy Vân và theo một số sách bà Ngọc Dao sanh thái tử Tư Thành (năm 1442) ở nơi nầy. Một câu hỏi được đặt ra : nếu bà Lễ Nghi không đưa bà Ngọc Dao chạy trốn thì sau nầy chắc gì có triều đại huy hoàng của vua Lê Thánh Tông ? Điều đó cũng cho mình thấy là những việc làm tốt cũng như công đức của Nguyễn Trãi và Thị Lộ rồi cũng được người đời nhớ ơn, minh oan và tôn sùng. Lịch sử dầu vài trăm năm sau cũng cho ta thấy đâu là sự thật.

Tôi không dám kể hết câu chuyện, nhưng chắc chắn quí vị đã từng nghe nói tới hoặc đã từng đọc qua theo một quan niệm nào đó, chỉ mong quí vị nhín chút ít thì giờ để cùng trở về với dĩ vãng và để sống lại những kỷ niệm xa xưa. Mong đón nhận những lời chỉ trích xây dựng của quí vị và xin thành thật cám ơn trước

Bordeaux ngày 27 tháng 5 năm 2001

Tác giả Nguyễn Gia Linh
Chưa phân loại
Uncategorized