Kẻ Bán Nước – Họ Là Ai

Tác giả: Đặng Hoàng Vũ

KẺ BÁN NƯỚC – HỌ LÀ AI
“Bán nước” theo nghĩa của từ điển tiếng Việt là hành vi “phản bội tổ quốc, làm tay sai cho kẻ ngoại xâm để mưu lợi riêng” [Từ điển tiếng Việt, Nxb. Phương Đông 2002, tr.27]. Như vậy, có thể thấy “bán nước” khác về bản chất so với “bán nước mắm”, “bán nước tương” hay “bán nước ngọt”. Vì vậy mà người ta rất ghét khi mình bị nói là “kẻ bán nước”, ngay cả hằng ngày họ gánh những thùng nước sạch đi bán giữa cái nóng hơn 40 độ.
Một khía cạnh khác, “bán” phải đi kèm với “mua” và “bán” phải có chủ thể để bán, chủ thể được phép bán thì phải là “chủ sở hữu” của đối tượng cần bán, nếu chủ sở hữu chung thì bên bán phải là người được phép đại diện của phần chung đó, là người được ủy quyền, được ký và đóng dấu hay là một cơ chế hợp pháp nào khác.
Nếu hiểu “Nước” là một quốc gia thì không phải bất kỳ ai bán cũng được đối tác họ mua, vì cơ bản là bên bán không có tư cách chủ thể của bên bán, họ không phải là đại diện hợp pháp của đồng chủ sở hữu. Tuy nhiên, định nghĩa của từ điển tiếng Việt thì đã gom tất cả các chủ thể nếu thỏa mãn hành vi “phản bội tổ quốc, làm tay sai cho kẻ ngoại xâm để mưu lợi riêng” đều có nghĩa là “bán nước”.
Từ trước đến nay tại Việt Nam có 3 câu chuyện bán nước lưu truyền rộng rãi:
1) Mỵ Châu thời Âu Lạc: Vì tình riêng của mình mà để đất nước chìm đắm trong 1000 năm dưới sự đô hộ của phương Bắc. Hành vi của Mỵ Châu có được hiểu là bán nước hay không vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng để làm được hành vi đó là do Mỵ Châu là con vua, người bình thường không thể làm được.
2) Trần Ích Tắc thời nhà Trần: Quân Nguyên xâm lược Việt Nam, trong khi cả nước đang sôi sục hào khí Đông A với nhiều gương anh hùng từ trẻ cho đến già như Trần Quốc Toản, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, … Thì Trần Ích Tắc mang cả vợ con và tùy tùng đi đầu hàng giặc. Ích Tắc làm được chuyện đó cũng một phần là do người thân tín của triều đình.
3) Lê Chiêu Thống thời triều Lê: Hoảng hốt trước sức mạnh của Nguyễn Huệ mặc dù Nguyễn Huệ đã để cho Chiêu Thống một danh phận cao quý nhất của quốc gia, Lê Chiêu Thống đã cầu viện 29 vạn quân Mãn Thanh sang giày xéo đất nước. Đó là đỉnh điểm của sự nhục nhã nhất mà một nguyên thủ quốc gia thể hiện, lại một lần nữa kẻ bán nước là người triều đình.
Ngoài 3 nhân vật đó, còn rãi rác nhiều nhân vật khác ở các thời đại khác nhau, đặc biệt là thời chiến nhưng đặc điểm nhận dạng loại bán nước và chổ ẩn náo của bọn chúng thì ít người dám chỉ ra. Duy nhất cho đến nay có một người chỉ được chổ ở của bọn ấy mà hậu thế nhớ mãi, chính xác không phải là “vị người” mà là một “vị thần”, Thần Kim Quy đã chỉ rõ “giặc ở sau lưng nhà ngươi đó”.
Thôi bỏ, bàn tiếp một chuyện khác, đó là vấn đề nợ công của nước ta đang làm đau đầu nhiều nhà hoạch định chính sách và bất kỳ công dân nào quan tâm. Kiềm chế và giảm dần nợ công là một trong những mục tiêu của phát triển đất nước trong tương lai. Một trong những giải pháp quan trọng là diệt trừ tham nhũng và chống lãng phí để bảo đảm cho ngân khố hoạt động, tránh thất thoát. Như vậy, những hành vi tham nhũng và lãng phí có được xem là “bán nước” hay không? Chưa ai dám trả lời vì nó không thỏa mãn định nghĩa của từ điển, nhưng sự nguy hiểm của nó cũng không thua gì kẻ bán nước.
Nhân tiện Quốc Hội đang bàn rầm rộ cái chuyện “Luật sư có nghĩa vụ phải tố giác thân chủ ở những hành vi ảnh hưởng đến an ninh quốc gia” trong bộ luật hình sự, có thông qua hay không thì cố chờ thêm vài ngày nữa sẽ biết. Sẽ là hoan hỷ với công chúng hơn nếu nối thêm vài chữ nữa “cán bộ, công chức có nghĩa vụ tố giác những hành vi tham nhũng, lãng phí hoặc dự định tham nhũng, lãng phí”, nhưng chỉ sợ là không đủ nguồn nhân lực để làm việc trong thời gian đầu áp dụng bộ luật.
Kẻ bán nước – họ là ai: Giấu mặt hay lộ mặt? Câu hỏi cứ lởn vỡn trong đầu chiều chủ nhật.
Đặng Hoàng Vũ (4/6/2017)
--- BÌNH LUẬN LỊCH SỬ ---
Chưa phân loại
Uncategorized