Chuyện 40 Năm Sau Mới Kể

Tác giả: Inrasara

Chuyện 1. Chạy dịch


Mẹ dắt anh chị em tôi đi trốn
năm sáu ba. Không đâu xa, mẹ dạt
qua nhà bà cô cách ba ngõ. Mẹ
nói: ngủ lại bà cô côi cút, tôi

biết mẹ dắt anh em tôi chạy dịch.
Cha kể: ngày xưa ông ngoại cõng cha
chạy xa rất xa. Thời buổi này ấp
chiến lược không đi đâu cả. Tôi nhớ

chị một tay ôm cứng chiếc áo dhai
cũ nát, Ngô tổng thống cấm Cham mặc,
một tay bế thằng út đứng khóc nước
mắt hai hàng. Hôm nay thằng út con

lớp sáu, áo dhai chả ai cấm, chị
vứt đi lâu rồi, chiến tranh chiến lược
dịch không còn. Chuyện 40 năm sau
mới kể.










Chuyện 2. Ăn chữ


Tôi có thằng bạn mắc bệnh ăn
chữ. Không thứ gì khác, hắn ăn
sáng trưa chiều, hắn nhai ngấu nghiến.
Vợ hắn khóc hai năm nay thôi.

Hắn ăn đủ các thứ nặng nhẹ
Nietzsche Khổng đến Sagan hắn
ăn tất tần tật. Hắn ăn từ
tốn chậm rãi. Thuở còn xà lỏn

tôi đã thấy ông lão làng tôi
ăn trăng với nước lã trừ bữa.
Trước nữa, cha kể, ông cố ngoại
tôi chạy càn Minh Mệnh đã đọc

kinh lễ, đốt thi phẩm Glang Anak
pha nước đái trẻ uống thay vì
ăn chữ. Ông sống trên trăm tuổi,
cha nói, giòng ăn lạ chỉ sinh

một trong thế hệ bất kì đâu.
Cham không bao giờ tiệt nòi ăn
chữ. Vợ hắn khóc sao trúng ngay
chồng em.







Chuyện 3. Chờ tàu


Có lẽ đã một trăm, hai trăm
năm, và hơn thế nữa, ông đã
chờ. Chờ những con tàu. Đến vào
buổi chiều, như guru đã hứa.

Như bảy mươi năm trước, con ông
đã chờ. Những con tàu. Chắc chắn
sẽ đến, người cha nói. Người cha
thì không thể nào dối con được.

Như bốn mươi năm qua, cháu ông
chờ. Con tàu. Buổi chiều, sau giấc
đóng chuồng. Họ chờ như thế, vẫn
dáng đứng ấy trên mô đất ấy –

về phía biển. Những con tàu chắc
chắn sẽ đến. Tổ tiên họ đã
hứa thế, sách chép như thế. Họ
không thể không chờ. Những con tàu

đến từ phía biển. Nỗi cha truyền
con nối. Mãi khi có ấp chiến
lược, họ mới hết chờ, hết còn
cơ hội chờ. Những con tàu đã

đến và bỏ đi, từ lâu rồi,
có lẽ.







Chuyện 4. Sông Lu


Sông Lu chào đời cùng tôi năm Đinh
Dậu. Hai mươi tháng hạn, sông Lu nằm
phơi thân trầm dòng vào lòng đất. Sông
Lu chảy quyết liệt lúc tôi vỡ tiếng

nói đầu đời, sông Lu ẩn mình trong
tôi khi tôi bỏ làng đi lang bạt,
lần nữa sông Lu lại ra đời với
tôi, ngày trở về. Đừng ai hỏi sông

Lu ở đâu, đất Phan Thiết sông Lu
lớn dậy, sông Lu chảy ngang trời Sài
Gòn, bay Tokyo, tắt
Baghdad, hát cùng sông Euphrates.

Sông Lu ngã bệnh, chết khát. Như tôi.
Sông Lu giận dữ, gào thét hay rì
rầm kể chuyện. Sông Lu khô – cháy, sông
Lu đầy – tràn, sông Lu nung nóng đồi

cát hay sông Lu tự vỡ bờ, chở
phù sa bồi ruộng đất quê hương. Cả
khi sông Lu bị con người biến thành
thứ mương tháo vô dụng, sông Lu vẫn

miệt mài mang phù sa đổ vào biển.
Sống như là mang phù sa đổ vào
biển.







Chuyện 5. Sống lùi


Tôi sống trong cộng đồng mà mọi thứ
đều lùi. Những cái cây mọc lùi nhỏ,
nhỏ dần vào hạt mầm, tận kiếp trước
của hạt mầm. Những con sông chảy lùi,

rất xiết. Thằng bạn tôi, đám cháu của
tôi, anh em cha mẹ tôi đi thụt
lùi, bé, bé dại dần. Tôi đứng nhìn
họ, bất lực. Không thể níu. Những ý

tưởng thụt lùi về cổ sơ, bản chép
tay mọc thêm trang lật lùi như thể
hết làm thất lạc. Ngôi nhà cô hàng
xóm thuở bé thơ đã đổ nát được

dựng lại. Những giọng nói quen và lạ
bay lùi vào chiều vào trưa vào đêm,
gọi dậy oan hồn tu sĩ, tiếng thét
đại ngộ đánh thức loài hổ mang thần

thoại trườn đổ một góc rừng. Trận lốc
thổi lùi bóc từng lớp trầm tích lộ
thiên bạt ngàn, thành phố cổ triệu triệu
viên gạch vụn lành lặn trở lại dựng

mênh mông cụm tháp xum xuê, bàn tay
vẫy môi cười màu áo làng mạc tiếng
quạ kêu lũ chim bay lùi vào vòm
nắng. Một mình tôi đứng cô độc. Đứng

thôi mà như đã bước tới ghê lắm
rồi.
Chưa phân loại
Uncategorized