Chiếc Áo Trắng Và Quy Luật Khác Biệt

Tác giả: Đặng Hoàng Vũ

CHIẾC ÁO TRẮNG VÀ QUY LUẬT KHÁC BIỆT

Hai tình huống giống nhau nhưng kết quả rất khác nhau:
1) Cả Hội trường toàn người mặc áo trắng, duy nhất có một người mặc áo màu và tất cả các ánh mắt đều đổ dồn về người mặc áo màu như một sự khác biệt kỳ quặc. Người mặc áo màu thậm chí còn bị đuổi khỏi Hội trường nếu xui xẻo gặp phải ông chủ tọa khó tính.
2) Cả Hội trường toàn người mặc đồng phục màu, duy nhất có một người mặc áo trắng và lác đác mới có vài người để ý người mặc áo trắng, cũng như hiếm người tò mò về sự khác biệt. Người mặc áo trắng thường được nhận định là “quá nghiêm túc”, thỉnh thoảng mới nhận được sự nhắc nhở của chủ tọa về chú ý mặc đồng phục.
3) Bình luận:
Trong cả hai tình huống trên, đều thể hiện sự khác biệt của một cá nhân so với sự đồng nhất của một tập thể nhưng kết quả thường không giống nhau. Người mặc áo trắng thường dễ gây thiện cảm về sự khác biệt của mình trong cộng đồng áo màu đồng phục, nhưng người mặc áo màu thường gây tâm lý khó chịu cho cộng đồng người mặc áo trắng, người ta thường quy kết cho người mặc áo màu phóng túng, bất lịch sự, ý thức kỷ luật kém, …
Khác biệt không có nghĩa là khác hoàn toàn cái chung, mà khác biệt là phải bao hàm dáng dấp, hình ảnh, bản chất của cái chung, thậm chí bao hàm cả thói quen, văn hóa nhìn nhận vấn đề, … Cái áo màu thực ra bản chất sơ khai của nó vẫn là màu trắng nhưng vì người ta nhuộm nên nó mới có màu, cho nên màu và trắng giống như giọt nước và bể nước, sự khác biệt của trắng là sự lột tả bản chất của màu. Trong văn hóa, người ta vẫn có thói quen nhìn nhận những người mặc áo trắng là thuần khiết, điềm đạm, đạo đức, chuẩn mực, khuôn mẫu, … Cho nên dùng màu trắng để làm sự khác biệt là phương pháp ít gây sốc nhất và cái khác biệt được đón nhận, cảm thông, được đặc cách ngồi chung với đồng phục màu. Ngược lại, dùng áo màu để làm sự khác biệt trong một cộng đồng áo trắng thì kết quả thường không như thế, nó không mang bản chất của màu trắng (cái chung) và không thuyết phục được văn hóa cộng đồng.
Trong cuộc sống, nhiều người đang rất muốn khác biệt để được là chính mình, muốn thể hiện mình vượt trội so với những gì thông thường. Tuy nhiên, hiếm ai có thể đứng vững đến cuối cùng để bảo vệ cho sự khác biệt của chính mình, sự khác biệt đó thường bị chỉ trích, bị cô lập, bị tẩy chay, … và dần họ vẫn phải trở về với cái chuẩn chung của xã hội, sự khác biệt chẳng thể sống lâu khi ai cũng tìm mọi cách để tiêu diệt nó. Những khác biệt đó, đơn giản như người mặc áo màu, ngoài thể hiện cá tính của người đưa ra khác biệt thì không ai thấy được ích lợi của khác biệt đó.
Muốn khác biệt được đón nhận và dung dưỡng để nó trưởng thành thì khác biệt đó phải mang dáng dấp, bản chất của cộng đồng mà ai cũng có thể tìm được hình ảnh của mình trong sự khác biệt đó. Cái khác biệt đó cũng thuần khiết như chiếc áo trắng, nó cũng đứng về phía cái thiện, cái đẹp, cái chân thực không giả dối, … là bất cứ những tiêu chuẩn nào mà văn hóa cộng đồng thường xem là điều tốt đẹp.
Sự khác biệt vì cá nhân phải mang bản chất của lương thiện, lạc quan, niềm tin, ý chí, … Sự khác biệt vì tập thể phải mang bản chất của phát triển, đoàn kết, thịnh vượng, …. Sự khác biệt vì quốc gia phải có bản chất của độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân quyền, giàu mạnh, …. Bất kể những khác biệt nào đi ngược với quy luật đó thì sớm hay muộn gì cũng bị đào thải vì không ai thấy được ích lợi của sự khác biệt ngoài người đã đưa ra sự khác biệt đó.
Dạo này có nhiều vị “cõi trên” thích đưa ra sự khác biệt, rồi cũng sẽ như người mặc áo màu bị đuổi khỏi Hội trường khi bị chủ tọa phát hiện mà thôi.
Đi ngủ … chuyện thiên hạ, miễn bàn.
Đặng Hoàng Vũ (21/5/2017)
Chưa phân loại
Uncategorized