Di Chúc (1)

Tác giả: Nguyễn Khuyến

Kém hai tuổi xuân đầy chín chục.
Số thầy sinh phải lúc dương cùng. (2)
Đức thầy đã mỏng mòng mong,
Tuổi thầy lại sống hơn ông cụ thầy.
Học chẳng có rằng hay chi cả.
Cưỡi đầu người kể đã ba phen; (3)
Tuổi là tuổi của gia tiên,
Cho nên thầy được hưởng niên lâu ngày.
ấy thuở trước ông mày chẳng đỗ, (4)
Hóa bây giờ cho bố làm nên;
Ơn vua chửa chút báo đền,
Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời.
Sống không để tiếng đời ta thán,
Chết được về quê quán hương thôn;
Mới hay trăm sự vuông tròn,
Sống lâu đã trải, chết chôn chờ gì?
Đồ khâm liệm chớ nề xấu tốt,
Kín chân tay đầu gót thời thôi;
Cỗ đừng to lắm con ơi,
Hễ ai chạy lại, con mời người ăn.
Tế đừng có viết văn mà đọc,
Trướng đối đừng gấm vóc làm chi;
Minh tinh (5) con cũng bỏ đi,
Mời quan đề chủ (6) con thì không nên.
Môn sinh (7) chớ bổ tiền đặt giấy,
Bạn của thầy cũng vậy mà thôi;
Khách quen chớ viết thiếp mời.
Ai đưa lễ phúng con thời chớ thu.
Chẳng qua nợ để cho người sống,
Chết đi rồi còn ngóng vào đâu!
Lại mang cái tiếng to đầu,
Khi nay bày biện, khi sau chê bàn.
Cờ biển của vua ban ngày trước,
Khi đưa thầy con rước đầu tiên;
Lại thuê một lũ phường kèn,
Vừa đi vừa thổi mỗi bên dăm thằng.
Việc tống táng nhung nhăng qua quýt,
Cúng cho thầy một ít rượu hoa;
Đề vào mấy chữ trong bia,
Rằng: "Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu".
1. Theo ý kiến một số cụ già ở địa phương nhà thơ, thì bài này là do cụ Trần Tán Bính dịch trong buổi lễ đưa ma cụ Nguyễn Khuyến.
2. Dương cùng: ý nói nhà thơ đã đến ngày tận số.
3. ý nói: nhà thơ qua ba kì thi đều đỗ đầu bảng (tam nguyên).
4. Ông cụ thân sinh nhà thơ thuở trước cũng là chân học khoa cử, nhưng không đỗ đạt cao.
5. Minh tinh: một mảnh lụa, mảnh vải hoặc mảnh giấy đề tên hiệu, tên thụy, tuổi và chức tước, địa vị người chết trong khi đưa đám ma.
6. Đề chủ: viết tên và hiệu người chết vào. Việc viết này thường được coi là tôn trọng, nên phải mời người có chức tước làm.
7. Môn sinh: học trò cùng học một thầy.
Chưa phân loại
Uncategorized