Câu Đối Nguyễn Khuyến

Tác giả: Nguyễn Khuyến

Thú Quê





- Quan chẳng quan thì dân, chiếu trung đình ngất ngưỡng ngồi trên, nào lềnh, nào trưởng, nào ban ba, tiền làm sao đóng góp làm sao, một năm mười hai tháng thảnh thơi, cái thủ lợn nhìn thấy đà nhẵn mặt;


- Già chẳng già thì trẻ, đàn tiểu tử lau nhau đứng trước, này thơ, này phú, này đoạn một, bằng là thế trắc là thế, khuyên điểm là thế, ba vạn sáu ngàn ngày thấm thoát, con mắt gà đeo kính đã mòn tai














Dán Nhà





- Người nước Nam, hỏi tiếng Tây chẳng biết tiếng Tây, hỏi tiếng Tàu chẳng biết tiếng Tàu, cho nên phải “minh tiên vương chi đạo dĩ đạo” (1)


- Nhà hướng Bắc, người chưa rét thì mình đã rét, người chưa bức thì mình đã bức, mới gọi là “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu” (2)





(1) “Minh tiên vương chi đạo dĩ đạo”: làm sáng đạo của tiên vương để mà noi theo


(2) “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu”: lo trước điều lo của thiên hạ








Dán Cổng





- Không tham không hãi, không dại không lo, không cứng cổ không to khí tượng (1)


- Có phúc có phần, có nhân có nở, có lọt lòng có nợ quân thân (2)





(1) Khí tượng: tinh thần và hình dạng con người


(2) Quân than: vua và cha mẹ











Mừng Ông Tiên Chỉ





- Đám công danh có chí thời nên, ơn làng giấy trắng, ơn vua giấy vàng, chiếu trung đình ngất ngưỡng ngồi trên, ngôi tiên chỉ cũng rất là đáng;


- Nhờ phúc ấm sống lâu lên lão, anh cả bàn năm, anh hai bàn sáu, đoàn tiểu tử xênh xang múa trước, tranh tam đa (1) ai khéo vẽ nên ?





(1) Tranh tam đa: bức tranh vẽ ba người: người đứng giữa là ông Phúc, tức là ông Quách Tử Nghi; người đứng bên trái là ông Thọ, tức là ông Đông Phương Sóc; người đứng bên phải là ông Lộc, tức là ông Đậu Vũ Quân .








Mừng Cô Tư Hồng (*)





- Có tàn, có tán, có hương án thờ vua, danh giá lẫy lừng băm sáu tỉnh


- Nào biển, nào cờ, nào sắc phong cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người





(*) Tư Hồng tên thật là Trần thị Lan, quê ở Phủ Lý ( Hà Nam) lấy người Hoa Kiều là chú Hồng ở Hải Phòng, sau lấy người cố đạo phá giới là Croibier Huguet (còn gọi là cố Hồng).


Cô Tư Hồng đã nhận đứng thầu phá nốt những mảnh tường thành Hà Nội lấy gạch xây nhà cho thuê nhờ thế mà trở nên giàu có . Về sau Tư Hồng buôn gạo lậu thuế bị bắt, nói dối là đem phát chẩn, được bọn thực dân đề nghị với triều đình phong kiến cho thị hàm “Tứ phẩm cung nhân” và cho cả bố thị hàm Thi độc . Tư Hồng về làng ăn khao linh đình, có người mừng câu đối:





“Tứ phẩm sắc phong hàm cụ lớn


Trăm năm danh tiếng của bà to”


(tương truyền câu đối của Nguyễn Khuyến)








Mừng Đám Cưới





- Giàu có thiếu gì tiền, đi một vài quan không phải lẽ;


- Sang không thì ra bạc, gửi năm ba chữ gọi là tình








Tặng Ông Bảng Long (*)





- Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại


- Triều đình cử mục, anh hùng chỉ có một người thôi





(*) Ông này làm quan võ và bị chột mắt .








Mừng Tân Ấp của Hoàng Cao Khải (*)





- Len vai để đệ một làng quan, nào giầy, nào dép, nào ngựa, nào xe, nào nước cờ chén rượu, nào mảnh hát cung đàn, thú tự nhiên đặt sẵn gió trăng này, dẫu tử mạch hồng trần nhưng chẳng tục;


- Mở mặt giang san trong đất nước, có quán có cầu, có chợ, có chú Khách ông Xiêm, có kẻ thầy người thợ, kho vô tận của chung trời đất cả, lọ hoa viên thú uyển mới là xuân





(*) Hoàng Cao Khải lập ra ấp Thái Hà, thuộc khu Đống Đa – Hà Nội bây giờ . Khi Hoàng Cao Khải xây dựng ấp, ý kêu gọi một số quan lại cùng làm nhà ở ấp ấy, lập thành một làng .











Mừng Nhà Mới





- Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa tích tằng xưng tị ốc; (1)


- Giàu ở làng, sang ở nước, nhờ trời nay đã vểnh râu tôm





(1) Xưng tị ốc: do câu “”Đường Ngu chi thời ốc nhi phong”. Ý nói đời Đường Ngu, trong nước có nhiều người hiền, nên nhiều nhà ở liền vách nhau được khen thưởng .


Tương truyền nhà thơ làm cho vợ chồng anh trưởng chợ (khán thị) làm được nhà mới vừa gần chợ, vừa gần sông . Đặc biệt câu đối này một vế chữ, một vế nôm và đối rất chỉnh








Viếng Người Làng (*)





- Vừa mới họp việc làng, mặc áo địa, cầm quạt lông, đủng đỉnh coi như ra dáng nhỉ;


- Thế mà chết đầu nước, lấp ván thiên, vùi đất thịt, viếng thăm thì đã đứt đuôi rồi





(*) Nhà thơ viếng một ông kỳ mục trong làng đi tắm chết đuối .











Viếng Bà Thông Gia (*)





- Ôi thương ôi ! Hơn một ngày chẳng ở, kém một ngày chẳng đi, bà năm mươi tám mà bà nhà tôi sáu mươi tư, xuân thu tuổi đã cao rồi, lọ là bon chen bảy tám chín mười mươi, thôi đừng cầu phật cầu trời chín suối không nên ân hận nữa;


- Ấy quái nhỉ ! Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật, bà tháng năm này mà bà nhà tôi tháng tư trước, ngày tháng cũng không cách mấy, nào có lâu la một năm năm bảy tháng, ví chẳng dâu gia dâu giáo, đường mây sao khéo rủ rê nhau





(*) Bà này là vợ ông Vũ Văn Báo người làng Vĩnh Trụ (Nam Hà) đỗ phó bảng, làm tổng đốc Nam Định, là “thế huynh” (con trai thầy học) và thông gia của nhà thơ .








Viếng Người Thợ Rèn





- Nhà cửa để lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp ?


- Cơ đồ đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi (1).





(1) Tương truyền nhà thơ viếng một người thợ rèn bên láng giềng chết trẻ, để lại vợ trẻ con thơ . Và trong hai vế đối này, nhà thơ đã dùng những tiếng: than, rèn, cặp, bễ, đe, loi …là những dụng cụ cần thiết trong nghề thợ rèn .











Tặng Người Quen





- Có hay chi “cõng rắn cắn gà nhà”, phong lưu chú Bát (1), phú quý dì Tư (2), mây nổi đã từng qua trước mắt .


- Thôi đừng có “rước voi giày mả tổ”, sự nghiệp bà Bông (3), thơ từ ông Húng (4), gió bay đành lẽ gác ngoài tai .





(1) Chú Bát: ẩn danh của Nguyễn Trọng Kim, thường gọi là Thương Kim vì y làm Thương biện Hà Nội, đi lại với Tây, nên chúng cho hàm “bát phẩm bá hộ” có sản nghiệp hàng Khay, tương truyền là bá hộ Kim xây tháp rùa để mả .


(2) Dì Tư: tức cô Tư Hồng


(3) Bà Bông: vợ kế của Honàg Cao Khải . Sự nghiệp bà Bông: có người cho là nhà thơ ám chỉ việc Hoàng Cao Khải làm tiểu phủ sứ đánh cụ Đề Thám, mất ấn, sau phải sai vợ đến ở trong trại một lãnh tụ là Thân Đức Luận để đánh lừa lấy trộm ấn về .


(4) Ông Húng: tức là Phạm Văn Toán, người làng Yên Lăng (nay là ngoại thành Hà Nội) sản xuất rau húng, hay làm thơ, nhờ khéo nịnh Tây mà leo lên đến chức tổng đốc Nam Định, (vào khoảng 1900-1904). Khi y làm tuần phủ Hưng Yên, có làm bài vịnh chim bồ câu:





Bốn cột chênh vênh đứng giữa trời


Khi thì bay bổng, lúc bay khơi


Về sau nó đẻ ra con cháu


Nướng chả, băm viên, đánh chén chơi





được các quan dưới quyền khen hay. Vì y dốt mà lại sính làm thơ nên Nguyễn Khuyến mới mỉa là “thơ từ ông Húng” .








Khóc Con (*)





- Bảng vàng bia đá nghìn thu, tiếc cho người ấy


- Tóc bạc da mồi trăm tuổi, thiệt lắm con ơi !





(*) Nhà thơ khóc con là Nguyễn Hoan, đỗ phó bảng và làm tri phủ Kiến Xương (Thái Bình) bị bệnh chết .











Khóc Chồng và Con (*)





- Con ơi con ! Những mong con kinh sử dùi mài, ơn phụ mẫu nở dứt tình xương thịt;


- Chàng hỡi chàng ! Sao bội ước hải sơn chan chứa, nghĩa phu thê càng đứt cả ruột gan .





(*) Tương truyền nhà thơ làm cho một người láng giềng làm nghề bán thịt, khóc chồng và con trai đi chợ bị đắm đò chết cùng một lúc .











Thờ Bà Trùm (*)





- Giàu làm kép hẹp làm đơn, tống táng cho yên hồn phách mẹ;


- Cá kể đầu rau kể mớ, tình tang thêm tủi phận đàn con (1)





(*) Tương truyền nhà thơ làm hộ cho một cô đầu thờ bà Trùm ở trong nhà hát ngày xưa


(1) Trong 2 vế đối này, nhà thơ đã dùng những tiếng: “ Kép, đầu, tống táng, tình tang, phách đàn …” để tả nghề hát ả đào.











Khóc Chồng (*)





- Thiếp từ thuở lá thắm xe duyên, khi vận tía lúc cơm đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ;


- Chàng ở dưới suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh (1)





(*) Tương truyền nhà thơ làm hộ cho vợ một người thợ nhuộm khóc chồng


(1) trong hai vế đối này, nhà thơ đã dùng những tiếng: “ thắm, tía, đen, điều, đỏ, vàng, hồng, trắng, tím, xanh …” hầu hết màu sắc để tả nghề thợ nhuộm .





Nguyễn Khuyến
Chưa phân loại
Uncategorized