Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ

Tác giả: Viên Linh

Vài Nét Về Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ

Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương sinh ngày 15-2-1943 tại Paksé, Lào, nguyên quán Quảng Bình, Trung Phần, Việt Nam, qui y Phật từ thuở đồng nhi, tốt nghệp Viện Cao Đẳng Phật Học Saigon năm 1964 và Viện Đại Học Vạn Hạnh phân khoa Phật học năm 1965. Được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu và những khảo luận triết học có giá trị hết sức cao, như Đại Cương Về Thiền Quán, Triết Học Về Tánh Không (An Tiêm Saigon, 1970). Rất giỏi chữ Hán, rành chữ Pháp, chữ Anh, chữ Pali và chữ Phạn. Ông cũng đọc hiểu tiếng Đức, nghiên cứu kỹ về Heidegger và Hoelderlin. Cuốn Thiền Luận nổi tiếng của D.T Suzuki bản Việt ngữ là do ông dịch.

Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa, đọc và nghiên cứu Tô Đông Pha từ nguyên tác, để lại một tác phẩm chan hòa tính thơ: Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng (Ca Dao Saigon, 1973). Những lúc rảnh ông chơi dương cầm. Ông làm nhiều thơ, viết một số chuyện ngắn đặc sắc, phần lớn đăng trên tạp chí Khởi Hành (1969-1972) và Thời Tập tại Saigon (1973-1975), khi đứng tên trong Bộ Biên Tập tạp chí này. Ông cũng là Chủ bút Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Vào ngày 1-4-1984, Thượng Tọa Tuệ Sỹ bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ cùng giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 19 Tăng ni, sĩ quan cũ của QLVNCH, bị kết án mưu võ trang lật đổ chính quyền và trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày cuối tháng 9 1980, ngày 30 ông bị kết án tử hình cùng giáo sư Lê Mạnh Thát.

Do sự tranh đấu tích cực của các cơ quan nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải giảm án xuống còn chung thân khổ sai, đem giam ông tại trại A-20 Phú Yên. Tháng 10.1994, cùng với 200 tù nhân, ông tham gia biểu tình đòi gặp phái đoàn Liên Hiệp Quốc và thực hiện các quyền khác, nên bị Cộng Sản đầy ra Bắc.

Những lời tuyên bố của người tù lương tâm Tuệ Sỹ, tại Tòa Án, cũng như khí phách kiên cường lúc trong tù, là gương sáng chói lọi, và niềm tự hào của Phật giáo và của dân tộc: "Lập trường của chúng tôi là lập trường của Phật giáo, là lập trường của toàn khối dân tộc". Năm 1998, Hà nội thả Thượng Tọa, cùng với một số người khác. Trước đó, ông đã tuyệt thực trong tù. Trước khi thả, họ muốn Tuệ Sỹ ký vào lá đơn Xin Khoan Hồng để gửi lên ông Chủ Tịch Nhà Nước Trần Đức Lương, Tuệ Sỹ trả lời: 'Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi". Họ nói không viết đơn thì không thả. Tuệ Sỹ không viết, và tuyệt thực. Họ phải thả ông, sau 10 ngày tuyệt thực. Hôm đó là ngày 1.9.1998.

Sáng hôm sau, lúc 10 giờ 45, Thượng Tọa Tuệ Sỹ được đưa lên tầu hỏa về Nam. Theo lời kể với ông Võ Văn Ái, Thượng Tọa ngồi suốt 36 tiếng đồng hồ trên tầu thì không chịu đựng thêm, vì rất yếu sau 10 ngày không ăn ở trong tù. Ông xuống Nha Trang, vào Phật học viện Hải Đức.

Thượng Tọa Tuệ Sỹ tuyệt thực một mình, không có tổ chức, báo chí không biết. Ông tuyệt thực "để khẳng định mình", như ông nói. Ít lâu sau Hà Nội lại ra lệnh ông phải về chốn cũ, là Chùa Già Lam ở Gia Định, chứ không được phép ở lại Chùa Hải Đức. Ông từ chối, viết một lá thư gửi cho nhà cầm quyền Hà Nội, nói một là ở Hải Đức, hai là vào tù trở lại. Tin này có loan trên báo chí hải ngoại.

Trước sau, tác giả Những Phương Trời Viễn Mộng đã bị giữ trong nhà tù Cộng sản 14 năm. Giữa tháng 4 năm 1999, Hòa thượng Quảng Độ đề cử Thượng Tọa làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo.


Source: Khởi Hành Số 31.
Chưa phân loại
Uncategorized