Diệu Kỳ Thay Tiếng Nước Tôi

Tác giả: Thiết Dương

DIỆU KỲ THAY TIẾNG NƯỚC TÔI

Mặc dù ngành học chính của TD là kỹ thuật, không chuyên về ngôn ngữ học. Nhưng trong quá trình viết lách, đăng thơ, đã có rất nhiều bạn trao đổi về một số khúc mắc trong tiếng Việt. TD thấy rất lý thú, nên có một số ý kiến mạn đàm như sau:

1/ VỀ PHỤ ÂM G- GH (HOẶC NG-NGH):
Đã từng có những cao thủ của làng thơ Đường luật bắt bẻ TD về âm G-GH (hoặc NG-NGH). Chủ yếu trong các tình huống sau:
- Trong thơ lưỡng đầu xà nghịch:
GHi mãi - Gãi mi
Lập NGHề - Lề NGập
=> bảo rằng lái âm chưa chỉnh vì G-GH (hay NG- NGH) khác nhau.
- Trong lỗi bàng nữu, chánh nữu không tính chung G-GH (hay NG- NGH).

Thực ra, bắt bẻ như vậy là sai, vì G- Gh (hoặc NG- NGH) chỉ là ký âm của 1 âm duy nhất, đọc hoàn toàn như nhau. H trong gh và ngh là h câm, không làm thay đổi âm của g và ng.

2/ VỀ NGUYÊN ÂM Y-I:
KỶ NIỆM - KỈ NIỆM, BÁC SỸ - BÁC SĨ... Y- I ở đây hoàn toàn như nhau, chỉ là yếu tố thẩm mỹ (thẩm mĩ). Vậy nhưng cũng đã từng có bậc thầy thơ trên net bảo rằng TD dùng không chính vận (Hàng MI - Định KỲ...)

Đây là cách hiểu sai. Như TD vừa nêu, trường hợp này nó là ký âm của 1 âm duy nhất, đọc như nhau, chỉ mang tính thẩm mĩ (thẩm mỹ) khi viết.

Thậm chí, thuở sơ khai của chữ quốc ngữ, trong “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” của Huình Tịnh Paulus Của, tác giả viết HUÌNH và QUẤC, chứ không phải là HUỲNH và QUỐC như ngày nay.

Vậy thì các trường hợp: AI- AY- ÂY: Ta phải hiểu ra sao, chả lẽ I-Y khác nhau:
Thực ra Y-I không phải khác nhau. Điều cốt lõi không nằm ở I-Y, mà là trong tiếng Việt:
Chữ Ă chính là A ngắn (a sắc á => ă)
Chữ Â chính là Ơ ngắn (ơ sắc ớ => â)
- AY chính là á i /ăi/ (để phân biệt với ÁI là tổ hợp của âm AI và dấu sắc như hái, mái... -> Nên quy ước viết là AY: hay, may)
- ÂY chính là ớ i /âi/ (để phân biệt với ỚI là tổ hợp của âm ƠI và dấu sắc như tới, mới... -> Nên quy ước viết là ÂY: tây, mây)
- Cũng như trường hợp UI (thui, khui) - UY (thuy, khuy): Thực ra, UI= UUI (UU chính là U đọc dài. Tương tự như âm OONG: OO chính là O đọc dài).

=> Theo thời gian, tiếng Việt đã hình thành một quy tắc bất thành văn, đó là: Âm cuối viết là i hay y tuỳ theo nguyên âm trước đó là ngắn hay dài: sau nguyên âm dài thì âm cuối này viết là i (chẳng hạn: hai, phơi), và sau nguyên âm ngắn sẽ viết là y (chẳng hạn: may, cây).

3/ VỀ PHỤ ÂM KÉP GI:
Có người bảo: GIẾNG- TIẾNG, GIẾT- BIẾT không phải chính vận, vì:
Giết = Gi+ết, Biết = B+iết
Giếng = Gi+ếng, Tiếng = T+ iếng

Nếu lập luận như vậy, TD tạm mượn J để thay cho GI, các bạn đánh vần thử nhé:
Gi+ết= J+ết = jết (con jết). Không thể đọc là Jiết (giết).
Gi+ếng= J+ếng= Jếng (như Dếng). Không thể đọc là giếng (Jiếng).

Vậy thì phải hiểu làm sao cho đúng: Thực ra khi đọc như vậy, chúng ta đã chấp nhận một quy tắc bất thành văn, đó là: “Trong chữ quốc ngữ, một chữ không có 2 nguyên âm giống nhau đứng liền nhau. Nếu có thì phải bỏ bớt một”. Chẳng hạn:
Giếng= Gi+iếng= Giiếng (viết là giếng)
Giết=gi+iết= Giiết (viết là giết).
Trừ các trường hợp XOONG, BOONG... Nhưng nó tạo ra một âm khác, đọc khác hẳn.

Như vậy, ai bảo giết- biết, giếng- tiếng... không phải chính vận?

Cũng như trường hợp GÌ, theo nguyên tắc ghép âm trong tiếng Việt, một phụ âm phải ghép với một nguyên âm để tạo ra một chữ:
Như: Hờ hững: H (đọc là hờ), sao không viết H hững, mà phải viết Hờ (H+ờ) hững. Vậy, Gì ở đây, ghép đúng âm phải là: Gì= J+ì= GI+Ì = giì (viết là gì).

Việc ghép vần chữ GÌ, nhiều bậc giáo viên tiểu học, khi dạy học sinh cũng chẳng biết phải giải thích ra sao.

4/ VỀ PHỤ ÂM QU:
Một số bạn cho rằng: Quyết- tuyết, quân- xuân... Không chính vận vì:
Quyết= Qu+ết, Tuyết= T+uyết
Quân= Qu+ân, Xuân= X+uân.

Quyển Tiếng Việt 1 do Đặng Thị Lanh và các cộng sự biên soạn. Được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép sử dụng để dạy tiếng Việt trong các trường ở Việt Nam. Theo tác giả, chữ quê là tổ hợp (qu+ ê) => phải đánh vần nó là QUỜ Ê QUÊ, (hay QUA= QUỜ A QUA). Bỗng dưng Ê biến âm thành UÊ (A biến thành OA). Nếu vậy thì chữ quỳnh phải là tổ hợp (qu+ỳnh), nhưng tiếng Việt không có vần ynh. Vậy xin hỏi làm sao đánh vần chữ quỳnh? Rõ ràng không thuận tai, không lôgic.

Cũng như chữ Quốc-Cuốc: Một số vùng miền phát âm hơi khác nhau, nhưng ở một số địa phương phát âm hoàn toàn như nhau. Đọc là Tổ Cuốc mặc dù vẫn viết Tổ Quốc.

Vần uôc đã đi với phụ âm c như trong chữ cuốc đất nên không thể đi với phụ âm qu được nữa. Nhưng rõ ràng cả qu và c là 2 dạng thức của cùng 1 phụ âm. (Gần như những nhà ngôn ngữ đều cho rằng c, k và q cùng âm, là /k/).

Thực ra, như đã nói ở phần trên. Trong tiếng Việt có một quy tắc bất thành văn, là trong một chữ, có 2 âm giống nhau, hoặc tương đồng (như O-U) thì mặc nhiên bỏ bớt một. Ví dụ:
Quyết= Qu+uyết= quuyết (viết là quyết);
Quân= Qu+uân= quuân (viết là quân);
Quanh= Qu+oanh= quoanh (viết là quanh);
Qua= Qu+oa= quoa (viết là qua);
Quê= Qu+uê= quuê (viết là quê);
Quỳnh= Qu+uỳnh= quuỳnh (viết là quỳnh);
...

Và đề tài này đã và đang được các nhà ngôn ngữ học tranh luận sôi nổi, có lẽ chẳng có hồi kết. Tiếng Việt quả là mênh mông vô bờ bến. Trên đây là một số ý mạn đàm theo quan điểm cá nhân.

Thân mến./.

Thiet Duong _13/7/2018
Chưa phân loại
Uncategorized