Chiếc Bách

Tác giả: Hồ Xuân Hương

Chiếc bách(1) buồn về phận nổi nênh,
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.
Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,(2)
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.(3)
Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,(4)
Dong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.(5)
ấy ai thăm ván cam lòng vậy,(6)
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh!(7)

(1) Chiếc bách: Chiếc thuyền gỗ bách trong văn học gợi hình ảnh tâm trạng một người hoá trẻ với bài thơ Bách chu trong Cổ thi.
(2)-(3) Tình và nghĩa vẫn đương còn chan hoà dào dạt. Sóng gió vẫn cứ đe doạ liên tiếp vỗ vào bên ngoài mạn thuyền. Tâm trạng chung của bốn câu đều là buồn rầu ngao ngán cho thân phận.
(4)-(5) Dự định của ai lăm le cầm lái để đưa thuyền đậu vào bến, cũng như của kẻ rắp tâm dong lèo để cho cánh buồm vượt qua ghệnh thác mà trôi xuôi cũng thây mặc, vì nhà thơ không quan thiết.
(6)-(7) Còn ai nữa là người sẽ tìm đến với mình (thăm ván)? Nếu việc ấy xảy ra thì cũng cam lòng. Mặc dầu cũng chẳng hay gì với chuyện tập tễnh ôm đàn sang thuyền người khác, song tình thế cũng không thể khác được.
Cổ thi có câu: "Khẳng bả tỳ bà quá biệt thuyền" nghĩa là không chịu ôm đàn tỳ bà sang thuyền người khác, để nói việc không chịu lấy chồng khác. Tục ngữ "Thăm vãn bán thuyền" ở đây vận dụng chỉ có nghĩa là "người mới", không giữ ý "có mới nới cũ".
Chưa phân loại
Uncategorized