Hoàng Hạc Lâu

Tác giả: Thôi Hiệu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuân lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch nghĩa:

Lầu Hoàng Hạc (1)

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi rồi (2)
Lầu Hạc Vàng còn trơ lại đây.
Hạc vàng một khi đã bay đi, không trở lại nữa,
Mây trắng nghìn thu lởn vởn hoaì.
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương (3) rõ mồn một,
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ (4) mơn mởn xanh tươi.
Trời tối rồi, đâu là quê hương mình?
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến người sinh buồn!


Dịch Thơ:

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa!
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bầy,
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Tản Đà

***

Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút,
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi!
Hạc vàng một đã đi, đi biệt,
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi.
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng.
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời.
Hoàn hôn về đó, quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dã người.

Khương Hữu Dụng
______________________
(1) Ở góc tây nam thành Vũ Xương
(2) Tục truyền Phí Văn Vi thành tiên, thường cưỡi hạc về nghỉ ở lầu Hoàng Hạc
(3) Một địa điểm bên sông Dương Tử tỉnh Hồ Bắc.
(4) Khu bãi bến khúc sông thuộc Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc

trích: Thơ Đường
nxb Văn Học, HN - 1987
Chưa phân loại
Uncategorized