Căn Bản Của Đường Luật

Tác giả: Đông Thiên Triết

Góp bài xướng họa, mạn đàm thơ,
Luận đến Đường Thi, trí não ngơ .
Xông trận “Phá Thừa”, ru giấc mộng(1)
Vào dòng “Thực Luận”, thả hồn mơ (2)
Nhất Tam Ngũ, ỷ y cười cợt (3)
Nhị Tứ Lục, đừng có vởn vơ (3)
Sơ suất bút sa, gà phải chết,
Hồn chưa “Kết” liễu, xác đâu ngờ.(4)

Hồn chưa “Kết” liễu, xác đâu ngờ.
Mạch lạc câu Thần chẳng vất vơ.
Sai luật, sảy chân, tan cảnh mộng,
Trật niêm, trợt bước, vỡ cơn mơ.
Văn chương tao nhã chừng lo lắng!
Nghệ thuật thanh cao há ngác ngơ!
Gia vị đủ mùi hoa cỏ bướm,
Gió mây trăng nước tạo nguồn thơ.

Gió mây trăng nước tạo nguồn thơ.
Bát cú Thất ngôn đọc ngẩn ngơ.
Nhuộm vải pha màu, nhờ thợ giỏi,
Họa tranh vẽ cảnh, tránh tay mơ.
Rượu vào chếnh choáng ca sang sảng,
Chân bước ngả nghiêng hát vẩn vơ.
Phóng bút du hồn vào cõi mộng,
Câu Thần thánh thoát mấy ai ngờ.

San Jose, June 21/2004
Đông Thiên Triết

(1) Phá (Khai) : Nhập đề, gồm có 2 cách như
trực khởi và lung khởi. Trực khởi là câu đầu
phải bàn thẳng vào vấn đề. Lung khởi là từ
câu đầu bàn bạc đến câu thứ nhì (Thừa) vòng
vo Tam Quốc rồi mới đề cập vào thân bài.
(2) a/-Thực: Từ câu 3 và câu 4, ý thơ đề ra
phải thực tế, không được ví dụ mông lung, mơ hồ.
b/- Luận: Câu 5 và 6, trình bày những ý tưởng
trừu tượng hay ảo huyền, mơ mộng, hư vô.
(3) Niêm Luật:
Nhất tam ngũ; Bất luận,
Nhị Tứ Lục; Phân minh.
(4) Kết: Câu 7 và 8, Kết luận để chấm dứt bài thơ
Chưa phân loại
Uncategorized