Tác giả: Nguyễn Minh Sơn
Ngày nay, nhiều người già vùng Tây Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, vẫn còn nhớ hình ảnh một thanh niên hằng ngày lùa dê vào núi, trên tay cầm một cuốn sách tiếng Pháp dày cộp. Đó chính là thi sĩ Bùi Giáng (1926 - 1998), người nuôi dê vì yêu dê, chứ không bán mà cũng không giết thịt.
"Đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi.
San sát đồi phủ phục quấn núi xanh.
Chiều xuống rồi tơ lòng rộn ràng rối.
Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Nhảy múa tung sườn núi vút giòng khe
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Vang vang lên đồi núi giọng be be".
(Trích Nỗi lòng Tô Vũ)
Người già ở các làng vùng Tây Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, ngày nay còn nhớ như in một người chăn dê kỳ lạ trên những thung cỏ hoang ở thượng nguồn sông Thu Bồn trong những năm 50. Người ta nhớ đến vì lẽ dòng họ Bùi giàu có bậc nhất trong vùng với những sở ruộng "cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi". Họ giàu có và nổi tiếng hào hiệp. Thêm nữa, người chăn dê đó sau này là thi sĩ thuộc loại nổi tiếng và lạ lùng bậc nhất trong văn đàn Việt Nam: Bùi Giáng.
Bùi Giáng trong mắt người dân thuở đó là một trang công tử. Dòng họ Bùi gốc ở Vĩnh Trinh lên ngụ cư ở Trung Phước khoảng những năm đầu của thập kỷ 40. Hồi đó, dòng họ Bùi có những căn nhà lầu đầu tiên ở xứ này. Trong nhà của họ có rất nhiều nô bộc.
Sau này, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân nhận xét rằng, những dòng họ giàu có nổi tiếng ở xứ Quảng đều sinh sống dọc hai bên triền sông, tận dụng lợi thế "nhất cận thị, nhì cận giang". Thân sinh ông Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thường gọi là Cửu Tý. Ông Cửu Tý cũng là một người... điên, hằng ngày thường làm bộ cưỡi ngựa bằng mo cau đi từ làng Trung Phước đến làng Cà Tang đọc thơ, làm câu đối và đặc biệt ông này rất thích chọc ghẹo... các cô gái có nhan sắc!
"Trung niên thi sĩ" Bùi Giáng học ở trường Viên Minh Hội An. Học sau ông một lớp là nữ sinh Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp mà sau này ông cưới làm vợ. Theo ông Phạm Văn Hòa (em ruột bà Phạm Thị Ninh, năm nay 71 tuổi, nhà ở gần Chùa Cầu Hội An), hai người làm lễ cưới ở Hội An và lên sống ở Trung Phước. Gia đình bà Ninh cũng tản cư lên đó vào năm 1945. "Ông anh rể tôi kỳ lạ lắm. Hồi đó, ổng mua một đàn dê khoảng 100 con và rủ tôi đi chăn cùng. Buổi sáng ổng thường lùa dê vào Giáp Nam, Gò Om... sau đó hai anh em rủ nhau xuống khe (suối) Le ngồi dưới bóng các lùm tre và... đọc thơ suốt buổi.
Có những buổi ổng lang thang lên tận các quả đồi hái hoa, lá kết vòng thơ thẩn đeo vào cổ cho dê...". Đặc biệt, Bùi Giáng rất thương vợ. Sáng nào ông cũng vắt một bát sữa dê đem chưng lên cho vợ uống. "Tôi chẳng hiểu hồi đó ổng có tâm sự gì nhưng chỉ biết ổng nuôi dê để chơi thôi, không thấy bán (vì nhà rất giàu, đâu cần tiền), cũng không thấy giết thịt vì ổng rất yêu những con dê. Mỗi con ổng đặt cho một cái tên rất kỳ lạ!".
Chuyện Bùi Giáng chăn dê nhiều người còn nhớ. Đấy là hình ảnh một thanh niên hằng ngày lặng lẽ lùa dê vào núi, trên tay ôm một cuốn sách tiếng Pháp dày cộp! Lúc đó Bùi Giáng mới vừa đậu tú tài toàn phần. Nhà thơ Tường Linh quê ở Trung Phước, là học trò học tiếng Pháp của Bùi Giáng, kể: Vào một buổi sáng, trời mưa dầm dề, Bùi Giáng đang ở trên núi thì nghe tin vợ mình qua đời. Ông hốt hoảng chạy ra ngoài trời và vấp vào một gốc cây, ngã xuống bất tỉnh. Người vợ mà ông cực kỳ yêu thương, sau này ông thường gọi là "con mọi nhỏ", bị bạo bệnh và mất vào năm 1952, lúc mới 26 tuổi. Đấy là một cú sốc trong đời người chăn dê mơ mộng... Sau đận ấy, ông thôi hẳn việc chăn dê, chia tay hẳn với cỏ hoa hồn du mục để xuôi về phố thị rộn ràng. Quãng đời du mục của Bùi Giáng kéo dài khoảng ba năm thôi nhưng sau này khi viết Nỗi lòng Tô Vũ, thi sĩ đã đề từ "Kỷ niệm một đoạn đời 15 năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt Nam Ngãi Bình Phú". Mười lăm năm - nhiều người cho rằng có thể Bùi Giáng lấy thời gian lưu lạc của nàng Kiều để nói về đời mình. Nỗi lòng Tô Vũ - một bài thơ trong sáng và cảm động nhất của Bùi Giáng được ông miêu tả hết sức cụ thể bằng những âm thanh be be, bế hế, những thảo nguyên xanh ở Dùi Chiêng, Trà Linh, Đá Dừng, Hòn Dựng, Giáp Nam, Rù Rì... (nay thuộc vùng Tây huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Tô Vũ đời Hán Vũ Đế, đi sứ sang Hung Nô bị giữ lại và đày đi chăn dê 19 năm. Nỗi lòng Tô Vũ là nỗi lòng của kẻ lưu đày. Mượn việc chăn dê, mượn nỗi lòng Tô Vũ để nói về mình, phải chăng ngay từ tuổi trung niên, thi sĩ Bùi Giáng đã xem mình là một kẻ bị lưu đày ở cõi trần gian huyễn mộng này rồi?
NGUYỄN MINH SƠN
(Báo Người lao động)
-------------------------------
Vài nét về Bùi Giáng
Sinh năm 1926 tại Quảng Nam, mất ngày 7-10-1998 tại Sài Gòn.
Tác phẩm:
- Một vài nhận xét về Bà huyện Thanh Quan
- Một vài nhận xét về Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm, Quan Âm Thị Kính
- Vài nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần
- Lá Hoa Cồn
- Mưa Nguồn
- Màu Hoa Trên Ngàn
- Ngàn Thu Rớt Hột
- Martin Heidegger và Tư tưởng hiện đại
- Đi vào Cõi Thơ
- Sa Mạc Phát Tiết
- Mùa Thu trong Thi Ca
- Ngày Tháng Ngao Du
"Đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi.
San sát đồi phủ phục quấn núi xanh.
Chiều xuống rồi tơ lòng rộn ràng rối.
Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Nhảy múa tung sườn núi vút giòng khe
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Vang vang lên đồi núi giọng be be".
(Trích Nỗi lòng Tô Vũ)
Người già ở các làng vùng Tây Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, ngày nay còn nhớ như in một người chăn dê kỳ lạ trên những thung cỏ hoang ở thượng nguồn sông Thu Bồn trong những năm 50. Người ta nhớ đến vì lẽ dòng họ Bùi giàu có bậc nhất trong vùng với những sở ruộng "cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi". Họ giàu có và nổi tiếng hào hiệp. Thêm nữa, người chăn dê đó sau này là thi sĩ thuộc loại nổi tiếng và lạ lùng bậc nhất trong văn đàn Việt Nam: Bùi Giáng.
Bùi Giáng trong mắt người dân thuở đó là một trang công tử. Dòng họ Bùi gốc ở Vĩnh Trinh lên ngụ cư ở Trung Phước khoảng những năm đầu của thập kỷ 40. Hồi đó, dòng họ Bùi có những căn nhà lầu đầu tiên ở xứ này. Trong nhà của họ có rất nhiều nô bộc.
Sau này, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân nhận xét rằng, những dòng họ giàu có nổi tiếng ở xứ Quảng đều sinh sống dọc hai bên triền sông, tận dụng lợi thế "nhất cận thị, nhì cận giang". Thân sinh ông Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thường gọi là Cửu Tý. Ông Cửu Tý cũng là một người... điên, hằng ngày thường làm bộ cưỡi ngựa bằng mo cau đi từ làng Trung Phước đến làng Cà Tang đọc thơ, làm câu đối và đặc biệt ông này rất thích chọc ghẹo... các cô gái có nhan sắc!
"Trung niên thi sĩ" Bùi Giáng học ở trường Viên Minh Hội An. Học sau ông một lớp là nữ sinh Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp mà sau này ông cưới làm vợ. Theo ông Phạm Văn Hòa (em ruột bà Phạm Thị Ninh, năm nay 71 tuổi, nhà ở gần Chùa Cầu Hội An), hai người làm lễ cưới ở Hội An và lên sống ở Trung Phước. Gia đình bà Ninh cũng tản cư lên đó vào năm 1945. "Ông anh rể tôi kỳ lạ lắm. Hồi đó, ổng mua một đàn dê khoảng 100 con và rủ tôi đi chăn cùng. Buổi sáng ổng thường lùa dê vào Giáp Nam, Gò Om... sau đó hai anh em rủ nhau xuống khe (suối) Le ngồi dưới bóng các lùm tre và... đọc thơ suốt buổi.
Có những buổi ổng lang thang lên tận các quả đồi hái hoa, lá kết vòng thơ thẩn đeo vào cổ cho dê...". Đặc biệt, Bùi Giáng rất thương vợ. Sáng nào ông cũng vắt một bát sữa dê đem chưng lên cho vợ uống. "Tôi chẳng hiểu hồi đó ổng có tâm sự gì nhưng chỉ biết ổng nuôi dê để chơi thôi, không thấy bán (vì nhà rất giàu, đâu cần tiền), cũng không thấy giết thịt vì ổng rất yêu những con dê. Mỗi con ổng đặt cho một cái tên rất kỳ lạ!".
Chuyện Bùi Giáng chăn dê nhiều người còn nhớ. Đấy là hình ảnh một thanh niên hằng ngày lặng lẽ lùa dê vào núi, trên tay ôm một cuốn sách tiếng Pháp dày cộp! Lúc đó Bùi Giáng mới vừa đậu tú tài toàn phần. Nhà thơ Tường Linh quê ở Trung Phước, là học trò học tiếng Pháp của Bùi Giáng, kể: Vào một buổi sáng, trời mưa dầm dề, Bùi Giáng đang ở trên núi thì nghe tin vợ mình qua đời. Ông hốt hoảng chạy ra ngoài trời và vấp vào một gốc cây, ngã xuống bất tỉnh. Người vợ mà ông cực kỳ yêu thương, sau này ông thường gọi là "con mọi nhỏ", bị bạo bệnh và mất vào năm 1952, lúc mới 26 tuổi. Đấy là một cú sốc trong đời người chăn dê mơ mộng... Sau đận ấy, ông thôi hẳn việc chăn dê, chia tay hẳn với cỏ hoa hồn du mục để xuôi về phố thị rộn ràng. Quãng đời du mục của Bùi Giáng kéo dài khoảng ba năm thôi nhưng sau này khi viết Nỗi lòng Tô Vũ, thi sĩ đã đề từ "Kỷ niệm một đoạn đời 15 năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt Nam Ngãi Bình Phú". Mười lăm năm - nhiều người cho rằng có thể Bùi Giáng lấy thời gian lưu lạc của nàng Kiều để nói về đời mình. Nỗi lòng Tô Vũ - một bài thơ trong sáng và cảm động nhất của Bùi Giáng được ông miêu tả hết sức cụ thể bằng những âm thanh be be, bế hế, những thảo nguyên xanh ở Dùi Chiêng, Trà Linh, Đá Dừng, Hòn Dựng, Giáp Nam, Rù Rì... (nay thuộc vùng Tây huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Tô Vũ đời Hán Vũ Đế, đi sứ sang Hung Nô bị giữ lại và đày đi chăn dê 19 năm. Nỗi lòng Tô Vũ là nỗi lòng của kẻ lưu đày. Mượn việc chăn dê, mượn nỗi lòng Tô Vũ để nói về mình, phải chăng ngay từ tuổi trung niên, thi sĩ Bùi Giáng đã xem mình là một kẻ bị lưu đày ở cõi trần gian huyễn mộng này rồi?
NGUYỄN MINH SƠN
(Báo Người lao động)
-------------------------------
Vài nét về Bùi Giáng
Sinh năm 1926 tại Quảng Nam, mất ngày 7-10-1998 tại Sài Gòn.
Tác phẩm:
- Một vài nhận xét về Bà huyện Thanh Quan
- Một vài nhận xét về Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm, Quan Âm Thị Kính
- Vài nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần
- Lá Hoa Cồn
- Mưa Nguồn
- Màu Hoa Trên Ngàn
- Ngàn Thu Rớt Hột
- Martin Heidegger và Tư tưởng hiện đại
- Đi vào Cõi Thơ
- Sa Mạc Phát Tiết
- Mùa Thu trong Thi Ca
- Ngày Tháng Ngao Du